Lợi bất cập hại từ độ chế xe: Người dùng chịu rủi ro an toàn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín

Theo sở thích cá nhân, nhiều người dùng lựa chọn tự độ chế chiếc xe của mình. Tuy nhiên, nếu làm không chuẩn, việc này sẽ gây nguy hiểm khi sử dụng, thậm chí vi phạm pháp luật. Theo đó, người dùng nên có những cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng.

Muôn vàn kiểu độ xe

Chỉ cần vào Google, Facebook hay YouTube gõ từ khóa “độ xe” cùng tên xe mà bạn cần độ, nếu là những dòng xe phổ biến, sẽ có rất nhiều kết quả trả về.

Độ xe là một thú chơi gần như không thể thiếu trong giới chơi xe. Có muôn vàn kiểu độ xe, từ thay đổi ngoại thất cho đến can thiệp vào trang bị tiện nghi và hệ thống vận hành. Ô tô có kiểu độ riêng, mà xe máy có những món đồ độ khác biệt.

Với những quy định nghiêm ngặt về trung tâm đăng kiểm, việc độ xe ô tô trong năm vừa qua không còn quá thịnh hành như trước. Tuy nhiên, do xe máy không cần đăng kiểm nên việc độ xe ít gặp phải rào cản từ cơ quan chức năng. Không chỉ thay đổi diện mạo, nhiều chiếc xe máy độ còn bị can thiệp sâu vào phần cứng, phần mềm và hệ truyền động. Không những vậy, trào lưu này đang lan dần từ xe máy xăng sang xe máy điện.

Trước đây, những chiếc xe máy xăng thường được độ đèn, động cơ, ống xả, vành, phanh, giảm xóc… Đối với xe điện, nhiều “lò” độ cung cấp các loại pin độ. Cũng giống xe xăng, xe điện cũng được đưa ra các tùy chọn độ chế giảm xóc, mâm lốp, thậm chí hàn gắn thêm bộ phận ngoài vào khung xe (ví dụ như baga để chở hàng nặng). Có những nơi nhận độ động cơ, can thiệp vào hệ truyền động hay tinh chỉnh phần mềm điều khiển của xe để mở giới hạn tốc độ mà nhà sản xuất tính toán. Những hoạt động này đều làm thay đổi thông số của xe so với nguyên bản của nhà sản xuất.

Lợi bất cập hại từ độ chế xe: Người dùng chịu rủi ro an toàn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín- Ảnh 1.

Nhiều chiếc xe máy được độ chế cầu kỳ.

Các xưởng độ xe được phân loại thành chuyên nghiệp và nghiệp dư. Có nơi có kỹ sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm thực hiện. Cũng có nơi tự phát với những người thợ độ xe ít kinh nghiệm chuyên môn. Có những trường hợp người dùng tự độ chế những bộ phận mở rộng để tăng khả năng chở hàng của xe.

Độ chế không an toàn khiến tiền mất, tật mang

Nếu độ xe đúng kỹ thuật sẽ không có gì phải bàn. Thế nhưng, trong trường hợp độ chế xe không tuân thủ các quy tắc an toàn, người sử dụng xe sẽ phải đối mặt hậu quả khôn lường.

Tiêu chuẩn an toàn này được giải thích cụ thể hơn thông qua Điều 4, Thông tư 85/2014/TT-BGTVT. Theo đó, những hành vi như cải tạo hệ thống treo, hệ thống phanh, thay đổi kích cỡ lốp, tăng chiều dài toàn bộ của xe (ví dụ như việc hàn gắn baga chở đồ xe máy)... là không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật của xe cơ giới khi tham gia giao thông.

Trước tiên, việc thay đổi kết cấu phương tiện là vi phạm pháp luật. Căn cứ theo Điểm b Khoản 8 Điều 32 của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, cá nhân tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt trong khung từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Mức phạt tăng lên mức 8 triệu đến 12 triệu đồng với tổ chức.

Lợi bất cập hại từ độ chế xe: Người dùng chịu rủi ro an toàn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín- Ảnh 2.

Độ chế xe không đúng quy định là vi phạm pháp luật.

Thứ hai, việc độ chế xe không tuân thủ quy tắc an toàn sẽ để lại nhiều rủi ro tiềm ẩn. Thực tế, các hãng xe máy đều phải chịu ràng buộc trong sản xuất, kinh doanh với những chế tài pháp luật khắt khe, sản phẩm cũng được thử nghiệm an toàn trước khi xuất xưởng, vì vậy người tiêu dùng nên tin tưởng và nghe theo hướng dẫn từ nhà sản xuất. Việc thay đổi kết cấu xe có thể khiến cho chiếc xe không đảm an bảo an toàn như ban đầu, dẫn đến rủi ro trong quá trình vận hành.

Ví dụ, mâm độ không đạt tiêu chuẩn có thể nứt, vỡ khi đi qua đường xấu, đèn độ, pin độ có thể gây chập cháy về điện, khung xe có thể bị ảnh hưởng nếu người dùng tự ý thay đổi kết cấu và đưa lên tải trọng lớn. Lốp xe nếu chọn sai kích thước cũng ảnh hưởng tới khả năng vận hành của xe…

Chính vì không đảm bảo an toàn theo điều kiện xuất xưởng, xe độ chế sẽ bị từ chối bảo hành. Theo đúng quy định bảo hành của các hãng xe, xe đã bị thay đổi kết cấu không nằm trong phạm vi bảo hành. Hãng hoàn toàn có quyền từ chối bảo hành với xe độ. Khi đó, chủ xe sẽ phải tự khắc phục hậu quả do độ xe gây ra.

Anh Nguyễn Văn Hải, cố vấn dịch vụ một đại lý Ford tại Hà Nội, cho biết: “Nếu xe độ gây ảnh hưởng đến kết cấu, làm mất an toàn, thì theo đúng quy định, hãng được quyền từ chối bảo hành với những hạng mục liên quan chịu ảnh hưởng”.

Một số trường hợp hư hỏng xe do độ chế không an toàn

Hồi đầu tháng, một trường hợp ô tô độ bị cháy đã gây xôn xao trên mạng xã hội. Đó là chiếc VinFast VF 3 của chị Hoài An (TP. HCM). Khi đang di chuyển trên đường, chiếc VF 3 bất ngờ có lửa bốc lên từ phía khoang máy. Sau đó, toàn bộ thân xe ngập trong “biển lửa”.

Theo chia sẻ của nữ chủ xe, chiếc VF 3 đã được độ lại đèn và có công suất lớn hơn nhiều so với đèn nguyên bản. Chị cho biết cũng vì thiết bị độ thêm nên chiếc xe bị VinFast từ chối bảo hành. Sau sự việc, người này đưa ra lời khuyên rằng không nên đụng chạm vào phần điện của xe, hoặc nếu có làm thì phải chọn nơi uy tín để làm.

Sự việc này phần nào đã làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu VinFast. Ban đầu, khi chủ xe chưa lên tiếng, nhiều bình luận trên mạng xã hội đặt ra nghi vấn về chất lượng của xe VF 3. “Nỗi oan” của VinFast chỉ được gỡ bỏ khi nữ chủ xe giải thích, tiết lộ về việc độ đèn xe sai so với thông số nguyên bản từ nhà sản xuất.

Lợi bất cập hại từ độ chế xe: Người dùng chịu rủi ro an toàn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín- Ảnh 3.

Chiếc VF 3 được cho là cháy do độ đèn vượt quá công suất nguyên bản.

Với xe máy, việc độ chế xe không đúng quy định xảy ra nhiều hơn ô tô. Nhiều chủ xe còn tự mày mò nâng cấp xe của mình dẫn đến hư hỏng chiếc xe. Đơn cử như mới đây, hãng xe máy điện Dat Bike cũng nhận được phản ánh về hiện tượng rỉ sét và nứt khung xe từ người dùng. 

Qua kiểm tra, thương hiệu phân tích các trường hợp phản ánh đều đã bị thay đổi kết cấu. Cụ thể, một chiếc xe đã độ chế thay đổi hệ thống truyền động, nhông, sên, đĩa không đúng thông số, lốp cũng sai thông số, xe đã được gắn thêm phụ kiện chở hàng (có khả năng tải nặng), hay một chiếc khác đã được gắn baga chở hàng và thay đổi hệ thống phanh.

Phía Dat Bike nhấn mạnh đây không phải lỗi hệ thống, khẳng định khung xe đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2024/BGTVT. Vết thuốc hàn trên khung có thể gây hiểu nhầm là gỉ sét và hãng chưa ghi nhận trường hợp gỉ sét nào dẫn tới nứt khung, gây mất an toàn khi sử dụng xe. Mặc dù về lý, thương hiệu có thể từ chối bảo hành với những trường hợp độ chế xe, song Dat Bike vẫn tích cực xử lý và hỗ trợ khách hàng.

Lợi bất cập hại từ độ chế xe: Người dùng chịu rủi ro an toàn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín- Ảnh 4.

Theo Dat Bike, chiếc xe máy điện đã được chủ xe cho độ chế lại baga chở hàng và phanh.

Hậu quả của việc độ chế sai quy cách cũng như việc đăng tải tràn lan bài đăng, hình ảnh và video về sự việc mà chưa rõ nguyên nhân chính xác không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu. Tương tự như với trường hợp của xe VinFast VF 3 cháy, sự việc xảy ra với xe Quantum đã phần nào khiến nhiều khách hàng hoài nghi về chất lượng xe của Dat Bike.

Anh Tạ Đức Anh (Hà Nội) sử dụng chiếc Dat Bike Quantum được hơn 1 năm. Anh cho biết đã phải kiểm tra lại khung xe sau khi đọc được thông tin “nứt khung” từ trên mạng. Kết quả là chiếc xe của anh vẫn nguyên vẹn, khung xe không gặp vấn đề nào.

Như vậy, việc độ chế xe máy chưa biết hiệu quả tới đâu, nhưng hậu quả có thể thấy rõ. Không chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt cao mà còn bị hãng từ chối bảo hành. Nguy hiểm hơn, những chiếc xe độ chế có thể bị ảnh hưởng tới độ an toàn (giống như trường hợp độ pin, độ động cơ hay thay đổi kết cấu khung xe điện). Rủi ro tai nạn có thể luôn rình rập khi tham gia giao thông trên đường.

Lợi bất cập hại từ độ chế xe: Người dùng chịu rủi ro an toàn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín- Ảnh 5.