Ford Ranger Raptor thế hệ mới đã chính thức góp mặt tại thị trường Việt Nam với hàng loạt thay đổi và cải tiến mang lại sự hứng thú cho những người đam mê dòng xe bán tải hiệu suất cao này. Tuy nhiên đi kèm với những thay đổi mới đó, có khá nhiều câu chuyện liên quan đến chiếc xe này được khá nhiều người quan tâm, từ triết lý thiết kế, định hướng kinh doanh cho đến những câu chuyện “sát sườn” như phân loại xe tải hay xe con (ảnh hưởng tới phí trước bạ và niên hạn sử dụng)…
Lãnh đạo Ford Việt Nam và Nick Eterovic – Phụ trách Thiết kế (Design Manager) của Ford Design Studio (trực thuộc Ford Motors) tại Melbourne đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên chuyên mục Xe và Công nghệ về những câu chuyện này.
Phóng viên: Xin hỏi Raptor thế hệ mới có bao nhiêu phần trăm tỉ lệ các linh kiện dùng chung với Ford Ranger?
Mặc dù Ford toàn cầu thiết kế 3 dòng xe Ranger/ Ranger Raptor/ Everest cùng lúc, học tập lẫn nhau, nhưng cũng tạo nên sự khác biệt nhau để hướng đến từng đối tượng khách hàng mục tiêu riêng. Và chính vì vậy rất khó lượng hóa bao nhiêu phần trăm dùng chung. Ví dụ như ngoại thất: toàn bộ mặt ca lăng, cản trước, nắp ca pô, thùng xe thiết kế riêng cho Raptor. Tương tự, hầu hết các chi tiết trong khoang nội thất được thiết kế riêng cho Raptor như ghế, vô lăng, mặt tap lô... Khung gầm & hệ thống treo thiết kế riêng cho Ranger Raptor với chiều rộng và chiều dài cơ sở lớn hơn Ranger. Đáng quan tâm, hệ truyền động được trang bị hộp số phụ hoàn toàn mới, động cơ/hộp số được lập trình điều khiển để đáp ứng các tính năng off-road của Ranger Raptor...Vì vậy có thể nói phần lớn các cấu phần chính của xe đều được thiết kế mới, tùy chỉnh riêng cho Ranger Raptor.
Tại Việt Nam, xe bán tải và đặc biệt là Ford Ranger Raptor không chỉ dùng dùng để phô diễn trên đường offroad mà nhiều khi người tiêu dùng sử dụng để đi cafe, gặp gỡ bạn bè… liệu điều này có quá “khác biệt” so với mục tiêu thiết kế của Ford dành cho Ranger Raptor? Ông từng thử đi bán tải đi trong phố Việt Nam hay chưa?
Tôi chưa có dịp nào được lái bán tải trong phố ở Việt Nam cả. Trên thế giới, ở các thị trường khác nhau, mật độ sử dụng xe hay hạ tầng đỗ xe có thể khác nhau. Ford Ranger và cả Ranger Raptor là một chiếc xe linh hoạt, nó có thể đáp ứng cả nhịp sống trong thành phố với thiết kế đẹp mắt, các công nghệ an toàn, camera 360 độ hỗ trợ việc đỗ xe, và cũng hoàn toàn phù hợp với các chuyến đi xa, hoặc chở hàng hóa, đồ dùng... Dù nhu cầu có khác nhau nhưng tất cả khách hàng toàn cầu đều có cảm giác tự hào về một chiếc xe thuần chất bán tải; mạnh mẽ, sẵn sàng cho một chuyến phiêu lưu từ đi chơi thể thao hay đi làm. Họ rất tự tin với hình ảnh của họ gắn liền với một chiếc bán tải mạnh mẽ và hiện đại - đây là sự khác biệt nhất mà Ford rất tự hào.
Xin ông giải thích vì sao thời điểm này Ford Ranger Raptor tại Việt Nam sẽ không có phiên bản V6 3.0?
Các quyết định về kinh doanh và chiến lược sản phẩm của công ty thường dựa trên những nghiên cứu thị trường để tìm ra giải pháp tối ưu nhất đáp ứng nhu cầu khách hàng tiềm năng của chúng tôi. Các nghiên cứu này chỉ ra rằng phiên bản Ranger Raptor 2.0L Bi-turbo đang đáp ứng tốt nhất về Khả năng vận hành, Tính hiệu quả và Khả năng tiếp cận của số đông khách hàng với sản phẩm này. Với các công nghệ hiện đại về an toàn, kết nối, khả năng vận hành mạnh mẽ và 7 chế độ kiểm soát địa hình tiên tiến, chúng tôi tin chắc rằng Ranger Raptor 2.0L Bi-turbo sẽ làm hài lòng những người đam mê offroad.
Vậy tình hình kinh doanh của Ranger Raptor hiện ra sao thưa ông?
Trong khi Ranger bao phủ một lượng khách hàng rộng với nhu cầu sử dụng đa dạng từ công việc tới gia đình, đặc biệt tập trung vào khả năng chịu tải và bền bỉ của nó; thì Raptor là phiên bản mang tính chất hiệu năng cao, là ngọn cờ đầu của dòng xe đó, và nó hướng tới nhu cầu về phong cách sống cũng như đam mê offroad tốc độ cao. Tỷ lệ doanh số của Raptor so với Ranger là 10-12%.
Đã từng có giai đoạn Ford Ranger Raptor được đăng ký là “Xe con” và không có niên hạn sử dụng, vậy với Ranger Raptor thế hệ mới này thì sao thưa ông?
Chỉ có duy nhất ở Việt Nam có quy định phân biệt về xe du lịch hay xe chở hàng, điều này khác biệt với phần lớn các thị trường trên thế giới. Ranger Raptor thế hệ mới có những cải tiến về khung gầm, hệ thống treo và tải trọng nên tính theo tỷ lệ được xếp vào hạng xe tải. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có những cải tiến trong các quy định phân loại xe ở Việt Nam để phù hợp với tình hình phát triển về công nghệ và mục đích sử dụng của người tiêu dùng.
Vì sao Ford Ranger Raptor thế hệ trước không cần trong khi thế hệ mới lại phải thêm dung dịch Adblue như với Everest thế hệ mới?
Tổng Giám đốc Ford Việt Nam - Ruchik Shah: Ranger Raptor là một sản phẩm toàn cầu của Ford, sản xuất tại một nhà máy và xuất đi 100 thị trường trong đó có cả các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn khí thải Euro 6, như Úc chẳng hạn. Để đảm bảo tính tương thích toàn cầu thì chúng tôi sử dụng Adblue trên dòng xe này để giúp việc lọc khí thải được hiệu quả hơn, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Ford Việt Nam đã phê duyệt ARB là nhà cung cấp phụ kiện chính hãng đã được các kỹ sư của Ford thử nghiệm và phê duyệt. Điều này có nghĩa các mẫu xe của Ford lắp phụ kiện ARB tại hệ thống đại lý ủy quyền của Ford sẽ được bảo hành chính hãng. Vậy khi nào khách hàng lắp thêm các phụ kiện này được chấp nhận khi đi Đăng kiểm?
Hiện nay chúng tôi biết có một số thay đổi, vấn đề chưa đồng nhất trong việc đăng kiểm. Ford sẽ tiếp tục làm việc để biết thời điểm nào có quy định rõ hơn về các phụ kiện được chấp nhận đăng kiểm. Khi có thông tin Ford sẽ cập nhật.
Các phụ kiện đã được phê duyệt của ARB đều là danh mục được công nhận rõ về mặt bổ trợ cho hình dáng, và hoạt động thông thường của xe.
Với thành công như hiện nay, liệu Ford Việt Nam có kế hoạch lắp ráp Ranger Raptor tại Việt Nam?
Trên quan điểm toàn cầu chúng tôi tính tới yếu tố hiệu quả về quy mô: Raptor được sản xuất ở 1 nhà máy duy nhất, xuất khẩu ra 100 thị trường. Như vậy chúng tôi đảm bảo được tính quy mô, cũng như yếu tố về chế tạo, thiết kế.
Hiện nay chúng tôi chưa có kế hoạch lắp ráp ở Việt Nam.
Xin cảm ơn về trao đổi này.
Kim Dung
Theo Thế giới Phương tiện