Xe máy bắt buộc lắp camera hành trình có hợp lý?

Quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình là đề xuất gây băn khoăn, tranh cãi
Xe máy bắt buộc lắp camera hành trình có hợp lý?

Trong dự án Luật đang được thảo luận có vấn đề đáng chú ý là ở Điểm c Khoản 1 Điều 33 của dự thảo luật quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe theo quy định (thường gọi là camera hành trình).

Đây là vấn đề có nhiều quan điểm thảo luận trái chiều tại hội trường vào chiều 24/11 vừa qua. Tuy nhiên, quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình là đề xuất gây băn khoăn, tranh cãi vì nhiều lý do:

Trước hết, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là phương tiện cá nhân nên người dân không có nghĩa vụ làm thay việc của cơ quan chức năng khi tự chứng minh sự trong sạch khi tham gia giao thông. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào có tiền lệ về việc này.

Cả nước hiện có trên 73 triệu xe máy. Với giá một chiếc camera hành trình là 3,5 triệu đồng, thì ước tính cần đến 255.500 tỷ đồng để lắp đặt cho 73 triệu xe máy. Đây là số tiền quá lớn, chưa kể phí sử dụng hàng năm và lưu trữ dữ liệu.

Đó là chưa kể còn nhiều vấn đề khác như kinh phí xây dựng đường truyền, trung tâm dữ liệu để quản lý dữ liệu của gần 80 triệu ô tô, xe máy, đội ngũ quản lý, vận hành, xử lý dữ liệu.

Thậm chí, với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới việc mua được xe máy để đi đã là một điều khó khăn mà giờ lại phải cõng thêm một khoản chi phí để lắp camera hành trình thì sẽ khó chồng khó. Trong nhiều trường hợp, giá camera hành trình còn cao hơn cả giá chiếc xe máy. Nhiều xe máy quá hạn sử dụng, trong tình trạng tồi tàn vì người dân quá nghèo để có thể đổi sang xe mới, thì sao thuyết phục được họ bỏ tiền để lắp camera.

Bên cạnh đó, chưa nói đến việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình có thể vi phạm quyền riêng tư của công dân, liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng của thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi can thiệp vào hệ thống điện của xe.

"Nếu như dự thảo luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình là khó bảo đảm tính khả thi" - đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nhận định.

Vì vậy, chỉ nên quy định gắn camera hành trình với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể hơn về trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tránh lãng phí.

Với ô tô cá nhân và xe máy chỉ nên quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình và nên tổ chức thí điểm, có lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng ngược.