Xe điện Citroen Ami đầu tiên về Việt Nam, kiểu dáng lạ mắt

Xe điện Citroen Ami đưa về Việt Nam thông qua đại lý nhập khẩu tư nhân, sử dụng động cơ điện có thể đi được vận tốc tối đa 45 km/h.
Xe điện Citroen Ami đầu tiên về Việt Nam, kiểu dáng lạ mắt

Chiếc xe Citroen Ami đầu tiên Việt Nam xuất hiện tại một garage khu vực TP.HCM. Xe vẫn gắn biển số châu Âu và được đưa về thông qua đại lý nhập khẩu tư nhân. Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 2/2020, xe có giá 5.054 bảng Anh, tương đương 7.000 USD (khoảng 150 triệu đồng).

Xe điện Citroen Ami đầu tiên về Việt Nam, kiểu dáng lạ mắt

Với chiều dài 2,41 mét, rộng 1,39 mét và cao 1,52 mét, Citroen Ami ngắn và hẹp hơn chiếc Smart EQ Fortwo đáng kể. Trọng lượng chỉ dừng ở mức 485 kg (bao gồm cả pin) nên chiếc xe được xếp vào phân khúc xe bốn bánh hạng nhẹ, giống Renault Twizy.

Ngoại hình Citroen Ami khá độc đáo với kiểu thiết kế đối xứng, cửa không đối xứng mở ra hai hướng ngược nhau khiến cho người đối diện ít nhiều khó khăn khi phải phân biệt đầu xe và đuôi xe. Chiếc Citroen Ami đầu tiên ở Việt Nam dễ phân biệt hơn nhờ dải nhựa đen ở phía trước. Cửa sổ đặc biệt với kiểu gập lên bằng tay. Trần xe có giá gắn đồ, mâm họa tiết bông hoa và sở hữu ngoại hình sơn màu xám xi măng.

Xe điện Citroen Ami đầu tiên về Việt Nam, kiểu dáng lạ mắt

Xe trang bị động cơ điện 6 kilowatt, tương đương 8 mã lực, Citroen Ami có tốc độ tối đa ở mức 45 km/h. Bộ pin lithium-ion 5,5 kWh giúp chiếc xe đi được quãng đường tối đa 75 km cho một lần sạc đầy. Pin có thể sạc đầy trong 3 giờ với nguồn điện 220V.

Chính vì giới hạn tốc độ mà theo các kỹ sư của Citroen, xe Ami có thể được điều khiển bởi những đứa trẻ ở độ tuổi 14 ở Pháp cũng như 16 nước châu Âu khác mà không cần có giấy phép lái xe.

Xe điện Citroen Ami đầu tiên về Việt Nam, kiểu dáng lạ mắt

Theo luật của các quốc gia này, Citroen Ami đủ điều kiện của phương tiện di chuyển “không cần có giấy phép”, bởi nó tương đương với việc sử dụng một chiếc xe tay ga bốn bánh với tốc độ chậm và ít nguy hiểm hơn xe hơi thông thường.

Nội thất xe thiết kế dạng mô-đun để gắn các thiết bị ngoại vi, như điện thoại và loa bluetooth. Xe sử dụng cụm đồng hồ dạng màn hình điện tử. Bảng táp-lô chỉ 3 chức năng sưởi kính, quạt gió và đèn báo khẩn cấp, cùng cổng sạc USB. Người lái sang số bằng cách sử dụng nút bấm đặt cạnh ghế. Các khu vực trống được tối ưu để chứa đồ đạc. Xe thậm chí cũng có cửa sổ trời nhưng lại không có hệ thống điều hòa.

Tuy nhiên, khi về Việt Nam việc thiếu đi hệ thống điều hòa cũng khiến mẫu xe này không thuận tiện khi di chuyển vào mùa hè hay lúc nắng nóng.