
Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và chuyên gia Đoàn Anh Dũng về chủ đề: Mazda CX-5 giảm giá, dọa ai?
Vừa qua, giá bán của Mazda CX-5 đã giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Dù vẫn là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc, giá bán của CX-5 được ghi nhận xuống dưới 700 triệu đồng, tiệm cận nhiều mẫu xe ở phân khúc thấp hơn. Anh đánh giá như thế nào về điều này?
Vấn đề đầu tiên, tôi nhận định rằng Mazda Việt Nam vẫn đang muốn tập trung cho CX-5, nhằm tiếp tục khẳng định vị thế số 1 phân khúc. Họ muốn duy trì sự hiện diện liên tục của CX-5 trên thị trường.
Ngoài ra, hiện nay ít hãng xe có những sản phẩm trọng tâm. Trước đây các hãng thường có vài mẫu xe trọng tâm, như Toyota có Vios hay Innova, Hyundai có Accent hoặc Grand i10. Vì thế, tôi cho rằng Mazda đang muốn CX-5 là sản phẩm trọng tâm của hãng, thay thế chiếc Mazda3 trước đây.
Việc hãng giảm giá bán của CX-5 là động thái cho thấy hãng xe Nhật muốn “các đối thủ chán luôn”, không còn động lực để cạnh tranh.

Vậy với mức giá đó, mẫu xe nào sẽ “sợ” Mazda CX-5?
Với tôi, CX-5 rõ ràng đang tạo ra sự khiếp sợ cho tất cả các đối thủ của phân khúc, thậm chí cả những mẫu xe ở phân khúc dưới.
Chúng ta có thể thấy, giá bán của các mẫu CUV cỡ B bản cao nhất còn đắt hơn giá bán thực tế của Mazda CX-5 bản Deluxe thấp nhất. Dù là bản thấp nhất nhưng một người dùng cơ bản sử dụng gia đình cũng chỉ cần những trang bị như thế.
Vì thế, rõ ràng CX-5 đang gây khó khăn cho những đối thủ ở phân khúc CUV cỡ B. Bởi vì, so với các mẫu xe đó, CX-5 có lợi thế nền tảng khung xe lớn hơn, nội thất rộng rãi hơn… nên trải nghiệm vận hành và sử dụng sẽ tốt hơn.

Vậy đối với các mẫu xe Trung Quốc sẽ chịu tác động như thế nào khi Mazda CX-5 giảm giá?
Đối với tôi, xe Trung Quốc tại Việt Nam đang có rất nhiều thay đổi, về giá bán và sản phẩm.
Ví dụ, MG trước đây khi gia nhập thị trường chủ yếu tập trung vào xe cỡ nhỏ, giá rẻ. Nhưng hiện nay, họ bổ sung thêm một số mẫu xe lớn hơn có giá bán cao hơn như RX5 và thị trường khó tiếp nhận sản phẩm đó. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng muốn bán tốt, các mẫu xe Trung Quốc phải đảm bảo được giá bán ở mức vừa phải. Nếu giá cao hơn, tiệm cận đến CX-5 thì sẽ rất khó khăn.
Không phải người dùng nào cũng có đủ kiến thức, sẵn sàng mạo hiểm chi ra 700-800 triệu đồng để mua xe Trung Quốc bởi họ sẽ lo lắng về nhiều thứ. Đầu tiên, quan trọng nhất là các chính sách hậu mãi sau bán hàng, về phụ tùng thay thế. Tiếp theo, họ lo ngại về độ ổn định trong quá trình sử dụng.

Mazda CX-5 không phải là một mẫu xe lái quá hay, nhưng chúng tôi vẫn hay nói rằng: Đây là một mẫu xe không khen nhưng cũng không chê được. Mọi thứ rất hài hòa, cảm giác lái ổn đối với những người không yêu cầu quá cao, động cơ 2.0L vừa đủ, tiết kiệm nhiên liệu, các công nghệ trên xe ở mức ổn…
Nếu phải chê, tôi cho rằng đó là cảm giác lái không quá tốt, hệ thống treo cho người ngồi hàng ghế thứ 2 cảm giác hơi văng ở tốc độ cao. Tuy nhiên, đó là nhận xét của những người quá khắt khe. Còn lại, CX-5 hài hòa, vừa đủ cho những người dùng bình thường.

Nhiều chuyên gia marketing cho rằng không nên cạnh tranh về giá. Khi Mazda CX-5 giảm giá về mức thấp như hiện nay, một số mẫu xe cùng phân khúc như Honda CR-V rất khó để “chạy đua” được. Vậy những mẫu xe đó cần làm gì để có thể giữ được miếng bánh thị phần của mình?
Tôi nghĩ rằng, bản thân Mazda CX-5 không cố để tranh giành thị phần với những mẫu xe khác cùng phân khúc. Bởi vì, CX-5 rõ ràng đang có một mức giá quá tốt mà những mẫu xe khác có thể phải giảm giá đến cả trăm triệu thì mới thấp bằng CX-5. Theo tôi, điều quan trọng ở đây là Mazda Việt Nam tiếp tục phải giữ vững DNA của mình, tiếp tục chăm sóc những khách hàng tiềm năng để duy trì doanh số và giữ thị phần cao.
Đối với câu hỏi của anh, tôi cho rằng CX-5 đang chiếm lấy thị phần của những mẫu xe ở phân khúc dưới hoặc ở những phân khúc khác, không còn là câu chuyện chỉ trong phân khúc của mình. Bởi vì, một người nếu bỏ ra 700-750 triệu mua xe CUV cỡ B chắc chắn trong quá trình mua xe chắc chắn sẽ nghĩ đến CX-5.

Việc giá xe Mazda CX-5 giảm nhiều so với lúc mới ra mắt tác động như thế nào đến những chủ xe đang sử dụng cũng như tính thanh khoản trên thị trường xe cũ, thưa anh?
Tôi nghĩ rằng điều này có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình làm nghề, tôi nhận thấy các chủ xe CX-5 không phàn nàn quá nhiều về điều này. Những ai theo dõi thị trường sẽ biết rằng việc CX-5 giảm giá bán đã diễn ra nhiều năm nay. Vì thế, người tiêu dùng không đặt nặng vấn đề về tính thanh khoản của mẫu xe này quá nhiều.
Trên thị trường xe cũ, những chiếc Mazda CX-5 mất giá nhiều thường là phiên bản 2.5L AWD. Trong khi đó, các phiên bản động cơ 2.0L không mất giá quá nhiều, độ mất giá ở trong ngưỡng người dùng chấp nhận được. Nếu có, những người mua xe 1-2 năm gần đây sẽ ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhiều người dùng mạng xã hội nói rằng “trước giờ THACO ăn dày quá vậy” khi nhắc đến việc Mazda CX-5 giảm giá. Anh nghĩ gì về điều này?
Ở góc độ của người làm kinh doanh, tôi cho rằng thực ra THACO đang chọn cách bán nhiều để giữ thị phần thông qua việc giảm giá. Có thể, họ sẽ cắt giảm những chi phí khác để tối ưu giá bán cho một dải sản phẩm cố định.
Ví dụ, một đại lý có nhiều sản phẩm khác nhau, họ sẽ chấp nhận bù trừ giữa mẫu xe này với mẫu xe khác. Họ có thể giảm lợi nhuận thậm chí bán hòa vốn đối với mẫu CX-5 để nhập về những mẫu xe khác có lợi thuận cao hơn. Tôi nghĩ rằng đây là bài toán trao đổi và các đại lý tính toán cho kế hoạch kinh doanh cũng như lợi nhuận của họ.
Trở lại vấn đề là nhiều người dùng mạng xã hội phán xét, bản thân chúng ta không thể biết được THACO đang bán CX-5 lỗ hay lãi. Mức giảm 50 triệu đồng đối với CX-5 Deluxe sản xuất 2024 là bình thường. Bởi vì, trên thị trường xe cũ, hai chiếc xe cách nhau 1 năm sản xuất đã có giá chênh nhau 30-40 triệu đồng.
Ở một góc nhìn khác, biết đâu tập đoàn Mazda đang có một ưu đãi lớn dành cho THACO để kích thích tăng trưởng doanh số CX-5 hoặc có thể Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ CX-5 tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Tôi cho rằng, ở vị trí của mình, chúng ta chưa nhìn thấy được tầm nhìn đó.

Nhiều người cho rằng, khi CX-5 giảm giá bán về mức thấp như hiện nay, hãng khó quay lại mức giá cũ khi ra mắt thế hệ mới. Anh nghĩ gì về quan điểm này?
Từ khi Mazda CX-5 xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012 và trải qua nhiều lần điều chỉnh giá bán tôi nghĩ rằng THACO đã có những kế hoạch trong việc định giá cho mẫu xe này. Vì thế, nếu ra mắt bản mới, họ sẽ có những thay đổi về trang bị, thiết kế để giúp họ điều chỉnh được mức giá hợp lý.
Thực tế cho thấy, nhiều mẫu xe khi ra bản nâng cấp không thêm trang bị mà chỉ khác về thiết kế cũng có thể tăng giá bán, bởi người Việt Nam yêu bằng mắt. Vì thế, tôi cho rằng chúng ta cần chờ đến lúc có mẫu xe mới về, thiết kế như thế nào, trang bị ra sao mới có thể định giá được. Tuy nhiên, tôi cho rằng THACO không khó để đưa CX-5 trở lại mức giá cũ, khi thị trường tiếp nhận mẫu xe đó, xe bán tốt thì giá bán sẽ được duy trì.
Vì thế, việc giá bán CX-5 đang giảm hiện nay không ảnh hưởng gì. THACO hay các hãng xe khác đều sẽ biết cách điều tiết phù hợp.

Cảm ơn Dũng rất nhiều về những chia sẻ vừa rồi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel.
Chương trình được phát sóng trên HTV9 lúc 18h10 từ thứ 2 đến thứ 7 và phát lại lúc 20h00 trên đa nền tảng VCCorp.