Việt Nam xuất siêu phụ tùng linh kiện ô tô và phương tiện vận tải

Phụ tùng linh kiện ô tô và phương tiện vận tải lọt Top 10 ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD tính đến 31/11/2022, xuất siêu hơn 2,4 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, 10,79 tỷ USD là giá trị xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay, tăng trưởng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phương tiện vận tải của Việt Nam xuất khẩu trong tháng 11 được tính cả lô hàng 999 xe điện VF8 của VinFast xuất cảng lần đầu tiên đi Mỹ hôm 25/11/2022.

Ngoài ra, mặt hàng dây cáp điện ô tô vẫn là nhóm linh kiện xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch hàng năm khoảng 5,5 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu phụ tùng linh kiện ô tô và phương tiện vận tải - 1

Lô xe điện xuất khẩu của VinFast đóng góp khoảng 45 triệu USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2022

Chiều ngược lại, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam chi ra hơn 5 tỷ USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô trong 11 tháng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với xe nguyên chiếc, dự báo giá trị nhập khẩu cả năm nay không vượt quá 4 tỷ USD. Tính đến hết tháng 11/2022, lượng xe nguyên chiếc về cảng là 160.852 chiếc với kim ngạch 3,55 tỉ USD.

Như vậy tính hết 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện phụ tùng và phương tiện vận tải là 10,97 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 8,55 tỷ USD, giá trị xuất siêu khoảng 2,42 tỷ USD.

5 năm trở lại đây, nhóm hàng phương tiện vận tải và linh kiện phụ tùng luôn đứng trong top 10 ngành hàng xuất siêu, có giá trị xuất khẩu xấp xỉ 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong 3 năm gần nhất, giá trị xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và linh kiện phụ tùng của Việt Nam tăng trưởng 14%/năm, thậm chí năm nay sẽ vượt qua con số 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển lắp ráp ô tô từ các nước ASEAN sang Việt Nam cũng thúc đẩy việc nhập khẩu linh kiện phụ tùng phục vụ lắp ráp ô tô trong nước.

Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, có 2 dự án lắp ráp ô tô rục rịch triển khai, gồm nhà máy của Skoda liên doanh với TC Motor đặt ở Quảng Ninh và dự án lắp ráp ô tô của Tập đoàn Geleximco đặt ở tỉnh Thái Bình.