Việt Nam nên cấm xe động cơ đốt trong

Trong tương lai, Việt Nam cần sớm quy định hạn chế, cấm động cơ đốt trong để đạt mục tiêu 100% xe điện vào năm 2045
Việt Nam nên cấm xe động cơ đốt trong

Đó là ý kiến của một số đại biểu tại Hội thảo trực tuyến "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" do Báo Giao thông và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMA) tổ chức ngày 3/9.

Tham dự Hội thảo có hơn 100 khách mời là lãnh đạo và các chuyên viên đến từ các cơ quan Chính phủ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng 22 doanh nghiệp sản xuất ô tô – xe máy đang hoạt động tại Việt Nam

Xe điện là tương lai tất yếu

Theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc – ĐH Bách Khoa Hà Nội, đối điện với thách thức về nguồn năng lượng, khí thải, ô nhiễm môi trường thì xe điện là giải pháp giao thông khả thi nhất vào lúc này. Thậm chí, có thể trong vòng 30 năm tới, chúng ta vẫn chưa có giải pháp nào thay thế.

Theo tính toán, khoảng 70% các chế phẩm dầu mỏ tiêu thụ cho giao thông, và trong giao thông thì ô tô và vận tải đường bộ chiếm khoảng 70% năng lượng tiêu thụ.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, tính tới cuối năm 2020 đã có 10 triệu chiếc xe điện trên toàn thế giới vào cuối năm 2020. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, doanh số xe điện đã tăng gấp đôi, từ 0,6 triệu xe năm 2015 lên hơn 2,3 triệu xe năm 2020.

Riêng năm ngoái doanh số xe điện tăng tới 41%, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bước sang quý I/2021, doanh số bán xe điện tại các thị trường lớn đều tăng 100-140% so với cùng kỳ, trong đó Trung Quốc bán ra hơn 500.000 xe, châu Âu hơn 450.000 xe…

Cũng theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, khi chuyển đổi được giao thông xanh thì sẽ cắt giảm khí thải, góp phần hạn chế hiệu ứng nhà kính. Đây là thách thức, cũng là xu hướng tất yếu của toàn thế giới.

Nếu Việt Nam không bắt nhịp với xu hướng này thì chúng ta trở thành vùng trũng, đến ngày nào đó sẽ là bãi rác công nghệ và người Việt Nam phải hứng chịu thiệt hại trực tiếp nhiều nhất. Vì thế, chúng ta bắt buộc phải phát triển xe điện.

Mấu chốt là hạ tầng, trạm sạc

Mặc dù đa số đều nhận thấy sự cần thiết phải phát triển xe điện tại Việt Nam nhưng thực tế, vấn đề này gặp phải hàng loạt cản trở, chẳng hạn chi phí sản xuất xe điện cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong, nguồn điện sạch của Việt Nam còn thấp, chính sách ưu đãi còn hạn chế.

Đặc biệt, theo ông Đào Công Quyết, đại diện VAMA, cơ sở hạ tầng, hệ thống trạm sạc là một trong những vấn đề then chốt. Hiện chúng ta chưa có hệ thống trạm sạc công cộng hay tư nhân, việc tiêu thụ điện cho sạc pin ô tô đòi hỏi lượng điện tăng mạnh nhưng chưa có giải pháp cụ thể, hầu hết các gia đình chưa có điều kiện lắp trạm sạc tại nhà dù đây là hình thức phổ biến cho xe điện…

Việt Nam nên cấm xe động cơ đốt trong

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Thị Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast - doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đến thời điểm này tiên phong phát triển xe điện- cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2021 này VinFast sẽ hoàn thành quy hoạch khoảng 2000 điểm lắp đặt trạm sạc tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước với hơn 400.000 cổng sạc.

Trong đó, các trạm sạc sẽ được lắp đặt ở hơn 800 chung cư, tổ hợp, hơn 300 cơ quan, công sở, trường đại học, hơn 300 bãi đỗ xe, hơn 200 trung tâm thương mại…

Cần luật hóa, khuyến khích và bắt buộc

Để có thị trường xe điện phát triển, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, Chính phủ có chiến lược và chính sách cụ thể hỗ trợ cho cả sản xuất và tiêu dùng như miễn giảm thuế, phí, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông… Hiện các Chính phủ trên thế giới đã chi 14 tỷ USD để hỗ trợ doanh số bán ô tô điện, tăng 25% so với năm 2019, chủ yếu từ các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn ở Châu Âu.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng Việt Nam cần có những chính sách cụ thể ưu đãi cho doanh nghiệp và người dùng. Với mục tiêu điện hóa 100% xe ô tô vào năm 2045- thời điểm tròn 100 năm thành lập nước, đại diện VAMA đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm phí trước bạ và hỗ trợ chung về phí đỗ xe, thuế môi trường…Đồng thời hỗ trợ phát triển trạm sạc, hỗ trợ xây dựng nhà máy cũng như nghiên cứu phát triển xe điện.

Bà Phan Thị Thùy Dương đề xuất cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đưa trạm sạc pin trở thành hạng mục công năng trong hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng đô thị; đồng thời đưa quy hoạch trạm sạc đồng bộ với hạ tầng đường bộ, đô thị và quy hoạch điện quốc gia.

Đặc biệt, theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, để đạt được mục tiêu 100% sử dụng xe điện vào năm 2045 thì việc bắt buộc chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện là việc làm cần thiết và cũng cần được luật hóa theo lộ trình.