Ước tính khoảng 5 năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình khoảng 15 - 20%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ cứ 1000 dân mới có khoảng 50 xe ô tô, tức vẫn thấp hơn rất nhiều so với Brunei 721 xe, Thái Lan 280 xe, Malaysia 542 xe, Singapore 176 xe… Với GDP bình quân đầu người Việt Nam đã vượt mức 4.000 USD (101,8 triệu VNĐ) thì tỷ lệ sở hữu ô tô sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong các năm tới.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường Việt Nam còn dư địa rất lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Nhiều công ty đa quốc gia như Toyota, Honda, Ford, Mercedes-Benz… đã đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ sở sản xuất - lắp ráp chi tiết ô tô lâu dài tại nhiều địa phương.
Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có lợi thế kết nối với nhiều thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác. Vị trí này giúp giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô. Chính vì thế, Việt Nam được coi là “thỏi nam châm" đối với các “ông lớn” trong giới sản xuất xe hơi.
Tuy nhiên, dựa trên kết quả bán hàng từ đầu năm 2024 đến nay lại cho thấy một thực tế rất khác. Dù Việt Nam có mức dân số cao hơn các nước như: Brunei, Thái Lan, Malaysia, Singapore nhưng tổng số lượng ô tô lại ở mức thấp.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng 3/2024 và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.350 xe, bao gồm xe 17.258 du lịch; 6.815 xe thương mại và 277 xe chuyên dụng.
Tính chung, đến hết tháng 4/2024, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 11% so với 2023, trong đó, xe ô tô du lịch giảm 14%; xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 28%.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Việc thúc đẩy sử dụng công nghệ xanh, phát triển các loại xe điện và xe tiết kiệm nhiên liệu không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, cung cấp thông tin thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Mặt khác, để kích cầu thị trường, thời gian tới, các hãng xe cũng cần đưa ra nhiều chính sách giảm giá, ưu đãi nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân.
Với quy mô dân số 100 triệu dân hiện nay và nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới, các chuyên gia đều dự báo, sức tiêu thụ của thị trường ô tô tại Việt Nam có thể sẽ đạt 1 triệu xe/năm vào đầu những năm 2030.
Việc tận dụng tốt các tiềm năng phát triển, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới. Sự hiện diện của các doanh nghiệp ô tô lớn không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao trình độ công nghệ và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam, khẳng định vị thế của Việt Nam như một thị trường đa sắc và đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm và đầu tư của các tập đoàn ô tô hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc cân nhắc tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Khi FDI vào ngành ô tô chỉ đơn thuần là lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất thì lợi ích thực tế mang lại cho kinh tế đất nước cũng như thu nhập của người dân không nhiều, lợi nhuận chính vẫn chảy ra nước ngoài.
TH (Tuoitrethudo)