Theo nghiên cứu mới nhất của motorcycledata.com, Việt Nam hiện là nước tiêu thụ xe máy điện lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cũng theo báo cáo thì lượng xe máy điện xuất xưởng tại Việt Nam năm 2022 đã tăng 22% so với năm 2021.
Dẫu vậy, lượng xe máy điện bán ra vẫn còn chiếm một phần rất nhỏ so với xe máy xăng. Vinfast - nhà sản xuất dẫn đầu thị trường xe máy điện cũng chỉ ghi nhận doanh số bình quân năm 2022 là 15.000 xe/tháng. Đây là con số khá khiêm tốt so với hơn 3 triệu xe máy xăng bán ra tại thị trường Việt Nam trong năm 2022.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người Việt vẫn chưa mặn mà với xe máy điện. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất chính là thiếu điều kiện hạ tầng của các trạm sạc xe điện công cộng. Xe máy điện vốn có nhược điểm là hành trình cho một lần sạc thấp (chủ yếu khoảng 100km/lần sạc - thấp hơn mức bình quân tầm 200km/bình xăng của xe máy xăng), nên việc thiếu các trạm sạc càng khiến họ lo lắng khi di chuyển bằng xe điện đặc biệt nếu quãng đường đi làm, đi học hàng ngày xa.
Bên cạnh đó, giá bán nhìn chung của xe máy điện cũng thuộc hàng đắt đỏ so với xe máy xăng. Đơn cử, nằm ở phân khúc tầm trung, Vinfast Klara S có giá 36,9 triệu đồng nếu thuê pin, và tới 56,8 triệu đồng nếu mua pin. Dat Bike Weaver 200 có giá bán 54,9 triệu đồng, và Yamaha Neo's mới trình làng cũng có giá bán 50 triệu đồng.
Không chỉ vậy, sau khoảng 3-4 năm sử dụng thì pin xe máy điện cũng cần phải thay mới do khả năng tích điện giảm dần theo thời gian. Khoản chi phí này là không hề nhỏ, đặc biệt là với các mẫu xe sử dụng pin lithium.
Và cuối cùng, định kiến và những nỗi sợ hãi vô hình cũng là điều khiến nhiều người từ chối lựa chọn xe máy điện. Bởi lẽ với nhiều người xe máy điện là những chiếc xe ọp ẹp, nhanh tã do trước đó xe máy điện chủ yếu là các dòng xe máy không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đưa từ Trung Quốc về nước.
Dẫu vậy, việc ngày càng có những thương hiệu lớn tham gia và phân phối thì hứa hẹn trong tương lai xe máy điện sẽ là phương tiện giao thông phổ biến trên đường phố Việt.