Vì sao Bộ Tài chính đề xuất lùi thay đổi cách tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô?

Bộ Tài chính đề nghị giữ quy định về độ rời rạc của bộ linh kiện nhập khẩu (CKD) cho đến khi có nghị định mới về biểu thuế xuất nhập khẩu.

Định nghĩa về độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu được quy định lần đầu trong thông tư 05/2012/TT-BKHCN, theo đó (khoản a, điều 4 thông tư 05/2012) mức độ rời rạc được quy định như sau:

- Thân vỏ ô tô (đối với ôtô con (xe du lịch), ôtô khách cỡ nhỏ (xe minibus), ô tô khách (xe bus), ca bin (đối với ô tô tải): Rời tối thiểu thành 6 cụm chính, chưa sơn tĩnh điện, bao gồm: cụm nóc, cụm sàn, cụm sườn trái, cụm sườn phải, cụm trước, cụm sau và các mảng liên kết (nếu có).

- Khung ô tô: Đã liên kết với nhau và chưa sơn tĩnh điện. Đối với khung ô tô có chiều dài từ 3,7m trở lên, được phép sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu.

- Động cơ: Hoàn chỉnh và có thể lắp liền với bộ ly hợp và hộp số.

- Hệ thống truyền động: Đã hoặc chưa lắp cùng với hệ thống phanh.

- Hệ thống điện, đèn và tiện nghi: Hệ thống dây điện, bảng điện, đèn và tiện nghi của ôtô để rời khỏi thân vỏ, cabin ôtô.

Vì sao Bộ Tài chính đề xuất lùi thay đổi cách tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô? - 1

Theo quy định hiện hành, thân vỏ ô tô nhập khẩu đảm bảo độ rời rạc tức là phải rời tối thiểu thành 6 cụm, nếu ít hơn thì không đảm bảo rời rạc

Theo Bộ Tài chính, mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu hiện đang là căn cứ để thực hiện chính sách thuế đối với bộ linh kiện CKD lắp ráp ô tô.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô, pháp luật thuế xuất nhập khẩu quy định bộ linh kiện CKD của xe ô tô nhập khẩu được phân loại theo xe nguyên chiếc hay từng linh kiện, căn cứ theo mức độ rời rạc của bộ linh kiện nhập khẩu do Bộ KHCN quy định.

Nếu bãi bỏ việc tính tỷ lệ nội địa hoá vào ngày 1/10/2022 (ngày thông tư 11/2022/TT-BKHCN có hiệu lực), sẽ dẫn đến khoảng trống pháp lý do quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại các văn bản khác cũng bị bãi bỏ theo.

Vì vậy, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, nêu quan điểm: “Độ rời rạc là một trong các điều kiện đang được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và các Nghị định này vẫn đang có hiệu lực áp dụng”.

Bộ Tài chính cũng đưa ra hai phương án: Một là, Bộ KHCN sẽ lùi thời hạn có hiệu lực của Thông tư 11 đến sau ngày Nghị định mới của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành (Bộ Tài chính đang xây dựng để trình vào tháng 10/2022).

Hai là, lùi thời hạn có hiệu lực việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang được quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BKHCN đến sau ngày Nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Cục Hải quan Hà Nội cho hay, cơ quan hải quan lo ngại sẽ phát sinh vướng mắc vì quy định về độ rời rạc đang là căn cứ để áp thuế nhập khẩu linh kiện 12-14% hay thuế của xe nguyên chiếc, với mức thuế suất cao hơn.

“Nếu bỏ quy định về độ rời rạc, có thể dẫn đến tình huống doanh nghiệp lắp ráp nhập nguyên chiếc xe chỉ tháo cụm động cơ hoặc 4 bánh xe ra, cũng có thể gọi là nhập bộ linh kiện CKD để hưởng thuế thấp”, vị cán bộ hải quan cho hay.