Sau một thời gian sử dụng, động cơ ô tô không thể tránh khỏi tình trạng bị bám bụi bẩn, dầu mỡ… Những tạp chất này ít nhiều khiến động cơ thiếu hiệu quả, một số cảm biến do bám bụi quá nhiều cũng sẽ hoạt động chập chờn và báo lỗi. Do đó, chúng ta cần thiết phải vệ sinh định kỳ khu vực này.
Nếu xe của bạn thuộc dòng xe phổ thông với cấu trúc bên trong khoang động cơ đơn giản, chúng ta chỉ cần che chắn các mối nối của hệ thống điện, điện tử trong khoang động cơ là có thể vệ sinh đơn giản bằng nước, với khăn và bàn chải chuyên dụng.
Chỉ làm sạch khoang máy khi động cơ đã nguội hẳn. Nếu động cơ còn nóng, hay ấm, hãy mở nắp ca-pô để nhanh giảm nhiệt, mất khoảng 30 phút. Bắt đầu dọn bằng cách dùng tay loại bỏ các loại lá cây, bụi bẩn bị mắc kẹt trước hốc hút gió, phần tiếp giáp kính chắn gió trước và lỗ thông hơi khoang động cơ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng máy nén khí nếu có để thổi rác mắc bên trong. Không nên xịt nước để loại bỏ những thứ này vì đôi khi, nước sẽ dẫn chúng tới những khe, lỗ trong khoang máy, và gây rắc rối đối với chiếc xe.
Bảo vệ những phần tránh nước, nên dùng túi ni-lông, màng bọc hoặc màng nhôm che chắn những phần điện. Bình ắc-quy, cổ hút gió, cầu chì... là những vị trí cần được bao bọc cẩn thận tránh nước. Nhờ đó, khi xịt nước trực tiếp vào khoang máy sẽ an toàn hơn.
Đối với những dòng xe hạng sang, đặc biệt dòng xe từ Châu Âu, nhất quyết phải có sự can thiệp của các chuyên gia thực sự trong lĩnh vực này. Hiện tại, các thành phố lớn có rất nhiều trung tâm chăm sóc xe thực hiện công việc này. Những trung tâm này sẽ sử dụng hóa chất chuyên dụng để vệ sinh khoang động cơ xe.
Chi phí cho việc này cũng khá cao, dao động khoảng vài trăm nghìn đến nhiều triệu cho một lần. Chi phí cao thấp cũng tùy thuộc sự phức tạp, mức độ bẩn của động cơ, cùng phương pháp sử dụng và loại hóa chất bảo dưỡng.
Ngoài ra, nếu bạn có thời gian cùng tình yêu cho chiếc xe của mình, chúng ta cũng có thể tự tay làm việc này. Các bước thực hiện tương đối đơn giản:
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ và hóa chất cần thiết gồm: chổi mềm, khăn mềm, dung dịch tẩy rửa động cơ và túi nhựa để che chắn nước
Bước 2: Mở nắp capô, quét bỏ bụi, lá khô… trong khoang động cơ.
Bước 3: Bọc các chi tiết như bộ đánh lửa, ắc quy, ECU… bằng túi nhựa với băng keo để cố định
Bước 4: Phun dung dịch tẩy rửa lên khoang động cơ
Bước 5: Dùng chổi mềm để chà rửa các chi tiết trong động cơ
Bước 6: Dùng nước sạch xịt kỹ khoang động cơ
Bước 7: Dùng khăn mềm để lau động cơ. Nếu được bạn trang bị thêm một bình hơi hoặc máy hút bụi có chức năng thổi để xì khô động cơ.
Bước 8: Tháo bỏ túi nhựa và lau sạch các chi tiết bằng khăn khô. Nên để động cơ khô hoàn toàn sau khoảng 2 tiếng. Khởi động động cơ để chắc chắn mọi tính năng có thể hoạt động bình thường. Đồng thời nhiệt từ động cơ giúp nước ở những vùng khác của động cơ bốc hơi hoàn toàn.
Cuối cùng, kiểm tra lại các chi tiết bên trong khoang máy, đảm bảo các vị trí bao bọc ni-lông, màng nhựa... đã được tháo bỏ ra ngoài. Làm vệ sinh khoang động cơ còn giúp bạn tránh nỗi lo về chuột, côn trùng xâm nhập, tránh hư hại các dây dẫn nhiên liệu, gioăng cao su, giúp xe vận hành an toàn và bảo vệ các chi tiết máy. Việc vệ sinh khoang máy có thể thực hiện định kỳ 3-6 tháng/lần.
Nguồn: http://khampha.vn/o-to-xe-may/ve-sinh-khoang-dong-co-xe-o-to-nen-hay-khong-c31a749614.htmlNguồn: http://khampha.vn/o-to-xe-may/ve-sinh-khoang-dong-co-xe-o-to-nen-hay-khong-c31a749614.html