Ưu đãi sản xuất linh kiện
Nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Đề xuất này được đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Theo Bộ Tài chính, đây là thời điểm cần thiết để xây dựng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2019-2023. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ là 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được.
Ngành công nghiệp ô tô kỳ vọng sẽ được hưởng những ưu đãi lớn
Theo các DN, những ưu đãi tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP hiện hành, dành cho lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô chưa đủ mạnh, để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, so với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Hiện sản xuất phụ tùng ô tô là ngành ưu đãi đầu tư, nhưng ưu đãi được hưởng cũng chỉ như các ngành nghề khác nên tỷ lệ nội địa hóa trên ô tô đạt thấp và chưa có đột phá. Chưa kể, sản xuất linh kiện trong nước còn đối mặt thách thức lớn khi linh kiện ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng thuế 0% tràn vào. Vì vậy, ưu đãi trên sẽ giúp các DN tránh được những bất lợi khi đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô, qua đó tăng lệ nội địa hóa.
Đến thời điểm này, Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã không thể cản được ô tô nguyên chiếc nhập khẩutừ ASEAN thuế 0% vào Việt Nam. Số lượng về ngày càng nhiều đẩy sản xuất lắp ráp ô tô trong nước vào thế khó khăn.
Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 7/2019, doanh số bán hàng xe lắp ráp trong nước giảm 14% còn nhập khẩu tăng 207% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN FDI đang dần chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về phân phối thay cho sản xuất, lắp ráp trong nước. Nếu không có những chính sách ưu đãi tốt, ô tô nội chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh được với xe nhập ngoại.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, tăng trưởng trung bình phân khúc xe du lịch 5 năm vừa qua đạt 30-40% và dự báo tới 2025, thị trường sẽ đạt doanh số gần 1 triệu xe bán ra/năm. Thị trường tiềm năng lớn rất có thể thuộc về xe nhập khẩu.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Chúng ta mới sản xuất được những linh kiện giản đơn, giá trị thấp. Do đó, Chính phủ cần sớm có chính sách ưu đãi thật tốt và ổn định để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tỷ lệ nội địa hóa càng tăng thì giá xe sản xuất lắp ráp trong nước càng có điều kiện giảm giá.
Ô tô nội sẽ giảm giá
Việc ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất linh kiện mức 0% chắc chắn sẽ giúp các DN giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, qua đó giảm giá thành ô tô.
Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi khác cho ô tô trong nước cũng đã được đề xuất. Bộ Công thương cho hay đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng miễn khoản thuế này với phần giá trị tạo ra trong nước trong vòng 5-10 năm.
Thủ tướng Chính phủ thời gian qua cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh khái niệm "lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và một số linh kiện ô tô" trở thành "ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao".
Thời gian tới, ngành công nghiệp ô tô kỳ vọng sẽ được hưởng những ưu đãi lớn. Ngoài miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất linh kiện, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước, còn được đưa vào danh sách ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, sẽ có những ưu đãi lớn. Qua đó, giúp sản xuất ô tô có thêm nhiều lợi thế, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo tính toán của các DN, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước tối đa chỉ dao động từ 12-15%, còn do được giảm thuế về 0% các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc có thể giảm từ 23-25%. Chính vì thế, hiện xe sản xuất lắp ráp trong nước khó mà cạnh tranh nổi với xe nhập.
Tuy nhiên, nếu được hưởng những ưu đãi nên trên, cộng với quy mô thị trường ô tô ngày càng lớn, chắc chắn sẽ thúc đẩy các DN đầu tư sản xuất linh kiện, qua đó sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tỷ lệ nội địa hóa càng tăng thì giá xe sản xuất lắp ráp trong nước càng có điều kiện giảm. Tính toán của các DN cho thấy giá xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thể giảm từ 20-30% trong thời gian tới.
Theo Trần Thủy (VietnamNet)