Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện đang được thực hiện khá nghiêm ngặt tại các tỉnh/thành phố trên cả nước, lại vào cuối năm - dịp mà các buổi tiệc tất niên, tổng kết... diễn ra với mật độ dày đặc, khiến nhiều người lựa chọn bia KHÔNG CỒN vì cho rằng bia không cồn đồng nghĩa với việc không có nồng độ cồn trong máu.
Bia không cồn, hay còn gọi bia "chay" là loại bia được loại bỏ cồn trong thành phần bia gốc. Như vậy, quá trình sản xuất bia không cồn giống với bia truyền thống tuy nhiên thêm một bước loại bỏ cồn trước khi thành phẩm bán ra thị trường.
Tùy theo quy định của các nước mà một loại bia được dán nhãn "KHÔNG CỒN" tuân theo các chuẩn khác nhau. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đồ uống có thể tuyên bố là không cồn miễn là chúng không vượt quá giới hạn 0,5% cồn theo thể tích (ABV). Tuy nhiên, ở một số nước khác thì lại quy định ABV phải dưới 0,05% mới được coi là không cồn...
Trên thực tế, các loại bia không cồn bán tại thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu. Và mặc dù được dán nhãn "KHÔNG CỒN" nhưng thực chất rất ít bia có thành phần cồn 0%, mà chỉ yếu có lượng cồn trong khoảng 0,03% - 0,5%. Do đó, nếu người dân uống bia không cồn thì trong hơi thở và máu vẫn có nồng độ cồn nhất định, và tỷ lệ này sẽ tăng lên nếu lượng bia không cồn uống vào nhiều hơn.
Theo quy định tại tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, và có thể bị tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Như vậy, chỉ cần có nồng độ cồn trong máu thì người điều khiển xe máy đã có thể bị phạt.
Chính vì thế, ngay cả khi uống bia không độ thì người uống cũng hạn chế số lượng và có thời gian nghỉ ngơi một vài tiếng để lượng cồn đào thải ra ngoài mới điều khiển xe máy. Và phương án tốt nhất cho các buổi tụ họp vẫn là nên gọi xe ôm hoặc taxi.