Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong 2 tháng "đổi ngôi" làm CEO VinFast: Mở rộng đến 6 thị trường, dự kiến đầu tư 3,2 tỷ USD xây 2 nhà máy, bỏ tiền túi mở công ty xây trạm sạc

Ông Phạm Nhật Vượng đã dồn rất nhiều tiền bạc và tâm huyết vào VinFast.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong 2 tháng "đổi ngôi" làm CEO VinFast: Mở rộng đến 6 thị trường, dự kiến đầu tư 3,2 tỷ USD xây 2 nhà máy, bỏ tiền túi mở công ty xây trạm sạc - Ảnh 1.

Hồi đầu năm nay, ngày 6/1/2024, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức chuyển vai trò từ Chủ tịch HĐQT sang đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc VinFast, thay cho bà Lê Thị Thu Thủy. Trên cương vị Tổng Giám đốc VinFast, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường.

HĐQT VinFast tin rằng ông Phạm Nhật Vượng là người phù hợp nhất với vị trí Tổng Giám đốc toàn cầu của VinFast bởi ông có bề dày kinh nghiệm quý báu đúc kết được từ việc sáng lập và phát triển VinFast. Ông Phạm Nhật Vượng cũng là người lãnh đạo Vingroup, tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu thị trường trong hàng loạt lĩnh vực từ công nghiệp, công nghệ, bất động sản đến dịch vụ.

Ngay sau cuộc "đổi ngôi", VinFast tiếp tục có những bước đi "thần tốc".

Những bước đi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau khi làm CEO

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm VinFast đã mở rộng đến các thị trường như Ấn Độ, Indonesia, Trung Đông, châu Phi...

Cụ thể, tại Ấn Độ, VinFast và Chính phủ Bang Tamil Nadu đã ký kế hợp tác trong Bản Ghi nhớ đầu tư (MoU) nhằm phát triển giao thông xanh tại Ấn Độ. Theo đó, VinFast sẽ đầu tư lên đến 2 tỷ USD tại Ấn Độ. Trong đó, mức đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn 1 sẽ được triển khai trong thời gian 5 năm. Ngày 25/2/2024, hãng xe điện hàng đầu Việt Nam VinFast đã chính thức động thổ nhà máy sản xuất xe điện tích hợp đầu tiên tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.

Tại Indonesia, VinFast dự kiến sẽ đầu tư tối thiểu 1,2 tỷ USD vào Indonesia trong dài hạn. Song song với việc phân phối các dòng xe nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn đầu, VinFast sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện với sản lượng dự kiến lên đến 30.000 - 50.000 xe/năm tại Indonesia. GSM cũng công bố kế hoạch đầu tư tới 900 triệu USD vào Indonesia trong thời gian tới.

Đồng thời, VinFast, GSM cùng GoTo Gojek Tokopedia đã kí MOU hợp tác trong mảng xe điện tại Indonesia. Ngoài ra, VinFast đã ký ý định thư hợp tác với 5 đại lý đầu tiên tại Indonesia, ký Biên bản Ghi nhớ về việc cung cấp 600 xe điện cho 3 doanh nghiệp Indonesia là PT. Energi Mandiri Bumi Pertiwi, PT. Sumber Amarta Jaya và PT. Teknologi Karya Digital Nusa Tbk.

Tại Trung Đông, VinFast và Bahwan Automobies Trading LLC (BAT) ký thỏa thuận bán hàng, BAT sẽ trở thành đại lý chính thức phân phối xe VinFast tại Oman.

Tại châu Phi, VinFast mới đây công bố chính thức ký kết thỏa thuận với Jospong Group of Companies, tập đoàn đa ngành hàng đầu Ghana, về việc phân phối xe điện tại thị trường Ghana và khu vực Tây Phi. Theo đó, Jospong sẽ phân phối ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và xe buýt điện của VinFast tại thị trường Ghana nói riêng và Tây Phi nói chung.

Trong cuối tháng 3 này, VinFast sẽ tham dự Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok lần thứ 45 (BIMS 2024) và chính thức ra mắt thương hiệu tại Thái Lan. VinFast cũng có kế hoạch đầu tư vào Philippines ngay trong năm 2024.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong 2 tháng "đổi ngôi" làm CEO VinFast: Mở rộng đến 6 thị trường, dự kiến đầu tư 3,2 tỷ USD xây 2 nhà máy, bỏ tiền túi mở công ty xây trạm sạc - Ảnh 2.

Lễ động thổ nhà máy VinFast tại Ấn Độ

Để thúc đẩy hoạt động bán hàng, hãng xe cũng phát động chiến dịch hỗ trợ người dùng Việt sở hữu xe điện bằng cách chính sách ưu đãi mới.

Cụ thể với khách hàng đã mua 1 trong 3 dòng xe xăng trước đây của hãng gồm Lux A2.0, Lux SA2.0 và Fadil. VinFast sẽ tặng gói bảo dưỡng trị giá 5 triệu với xe Lux và 3 triệu với Fadil trong thời hạn 3 năm. Đồng thời các chủ xe này nếu mua xe điện sẽ được giảm ngay 5% giá mua bất kỳ mẫu xe nào.

Trong khi đó, với khách muốn mua xe điện trong giai đoạn này, VinFast áp dụng hỗ trợ gói ưu đãi mua xe trả góp với thời hạn tối đa 8 năm, giá trị cao nhất là 70% giá xe và lãi suất hấp dẫn. Mức lãi suất sẽ được tính bằng 5% khoản vay trong 2 năm đầu, 8% trong 3 năm tiếp theo và 8,5% trong 3 năm cuối. Rủi ro phát sinh (chẳng hạn lãi suất thả nổi của ngân hàng cao hơn các mức trên trong thời gian vay) sẽ do VinFast chịu.

Theo tính toán của VinFast, khách hàng có thể chỉ phải trả 5,29 triệu/tháng tiền gốc + lãi là đã có thể mua một mẫu ô tô điện của hãng, ngoài phần vốn phải trả ban đầu. 

Ông Phạm Nhật Vượng lại bỏ tiền túi thành lập công ty mới giảm áp lực cho VinFast

Mới đây, ngày 18/3, ông Phạm Nhật Vượng đã công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN. Mục tiêu của V-GREEN là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.

Công ty V-GREEN do nhà sáng lập VinFast thành lập với tỷ lệ sở hữu 90% cổ phần, được tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của hãng xe điện VinFast. V-GREEN sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập trong vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn cầu. Theo đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng xe điện, qua đó giảm tải áp lực tài chính và triển khai cho VinFast để hãng xe tập trung mở rộng thị trường và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Tổng giám đốc V-GREEN cho biết: “Quyết định thành lập V-GREEN là bước đi mang tính chiến lược của nhà sáng lập VinFast trong việc hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ cho VinFast phát triển bền vững, ổn định trên quy mô toàn cầu." Đồng thời ông tiết lộ tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã dùng tài sản cá nhân thành lập V-GREEN để giảm tải áp lực đầu tư hạ tầng cho VinFast, hỗ trợ tối đa cho hãng xe phát triển.

Ông Phạm Nhật Vượng đã dồn rất nhiều tiền bạc và tâm huyết vào VinFast. Trong năm 2023, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã tài trợ hơn 20.600 tỷ đồng cho VinFast.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong 2 tháng "đổi ngôi" làm CEO VinFast: Mở rộng đến 6 thị trường, dự kiến đầu tư 3,2 tỷ USD xây 2 nhà máy, bỏ tiền túi mở công ty xây trạm sạc - Ảnh 3.