Từ vụ livetream bán 7.000 xe vi phạm, khi nào thì CSGT được 'rao bán' các loại xe này?

Từ vụ một tài khoản livetream bán 7.000 xe vi phạm trong đội CSGT, luật sư phân tích về trường hợp CSGT được "rao bán" xe vi phạm mà người dân cần biết. 

Vừa qua, mạng xã hội lan truyền nhiều đoạn livestream và video ghi hình cảnh bên trong kho xe tang vật của đội CSGT Quận 11, TP.HCM.

Đáng chú ý khi tài khoản này thực hiện các đoạn livestream và đăng bài: "Cần thanh lý 7.000 chiếc xe như trên. Toàn bộ xe trên là xe bị bắt. Ai cần liên hệ em nhé".

Vụ việc đã khiến nhiều người quan tâm và hiện các đơn vị chức năng vào cuộc, điều tra, xử lý.

CSGT có được “rao bán” xe vi phạm?

Vấn đề pháp lý được nhiều người quan tâm ở đây là CSGT có được rao bán xe vi phạm.

Trao đổi với PLO, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ Điều 17 Nghị định 138/2021 quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ như sau:

Thứ nhất, việc xử lý phương tiện hết thời hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 4a và khoản 4b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Cụ thể, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt; để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính: Khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.

Xe vi phạm tại một đơn vị CSGT ở TP.HCM. (Ảnh minh hoạ: TN)

Xe vi phạm tại một đơn vị CSGT ở TP.HCM. (Ảnh minh hoạ: TN)

Trong đó, lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

“Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện”- luật sư Mạch cho hay.

Theo luật sư Võ Đan Mạch, lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

“Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”- luật sư nói.

Bao lâu thì được “rao bán”?

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt theo hình thức phạt tiền, theo luật sư khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

“Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm và trong thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định”- luật sư Mạch phân tích.

Theo luật sư, sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định về xử lý vi phạm hành chính nêu trên, thì được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

“Như vậy, khi hết thời hạn tạm giữ xe mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp của xe không đến nhận thì người có thẩm quyền được quyết định tịch thu xe vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, trước khi xử lý tài sản, người có thẩm quyền phải tiến hành các thủ tục thông báo theo thời hạn quy định nêu trên. Trừ trường hợp xe bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt theo hình thức phạt tiền thì sẽ được chuyển cho người có thẩm quyền kê biên, bán đấu giá theo quy định mà không cần phải thông báo”- luật sư Võ Đan Mạch nói.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 29 30 31 3233