Từ 15h chiều nay, giá xăng dầu tiếp tục tăng

Thông tin từ liên bộ Tài chính - Công thương, từ 15h chiều hôm nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp mặt hàng xăng dầu trong nước tăng sau 3 lần giảm giá. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 330 đồng, RON 95 tăng 440 đồng trong khi dầu diesel tăng thêm 180 đồng.

Từ 15h chiều nay, giá xăng dầu tiếp tục tăng - Ảnh 1.

Sau khi điều chỉnh, giá bán cao nhất của xăng E5 RON 92 là 27.460 đồng/lít, xăng RON 95 là 28.430 đồng/lít, dầu diesel lên mức 25.530 đồng/lít. Dầu hoả vẫn giữ nguyên giá là 23.820 đồng, dầu mazut giảm 240 đồng/kg, về 21.560 đồng.

Cùng với đó, cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn xăng dầu với các mặt hàng, trừ dầu mazut là 250 đồng/kg, tăng mức trích lập vào Quỹ bình ổn với xăng RON 95 là 400 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 300 đồng/lít, dầu diesel là 100 đồng, dầu hoả là 119 đồng.

Trước đó, trong lần điều chỉnh giá ngày 21/4, xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 680 đồng/lít, dầu diesel tăng 970 đồng/lít, dầu hỏa tăng 800 đồng/lít, dầu mazut tăng 880 đồng/kg.

Tính chung trong hơn 4 tháng đầu năm, giá xăng đã có 8 lần tăng, 3 lần giảm giá.

Từ 15h chiều nay, giá xăng dầu tiếp tục tăng - Ảnh 2.

Giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước từ 15h chiều ngày hôm nay tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex.

Từ 15h chiều nay, giá xăng dầu tiếp tục tăng - Ảnh 3.

Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ 15h chiều nay.

Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống 12%. Kiến nghị này nhằm đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động.

Bộ Tài chính cho biết, hiện mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON 92, RON 95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (VNEAEU) là 8%, EVFTA là 20%.

Hiện nay, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (3 doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay), hơn 300 doanh nghiệp phân phối xăng dầu đóng vai trò tạo nguồn cho hệ thống đại lý; trong đó, Tập đoàn Xăng dầu chiếm khoảng 45 - 50% thị phần, các doanh nghiệp đầu mối còn lại chiếm 50-55% thị phần.

Các doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu chủ yếu từ nguồn của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và phần còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và khu vực ASEAN theo thuế suất FTA.