Từ 1/9, xe có niên hạn từ 12 năm trở lên không được kinh doanh taxi

Từ 1/9, xe kinh doanh taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm theo quy định mới
Tacxi

Từ ngày 1/9/2022, Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Chính phủ quy định xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 13 Nghị định quy định rõ như sau: Không được sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Trường hợp ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành dưới 10 chỗ đã được cấp phù hiệu trước ngày Nghị định có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định này.

Tuy nhiên, quản lý một hãng kinh doanh dịch vụ taxi cho biết quy định về niên hạn xe taxi đã có từ trước.

Theo đó, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP có nêu: "Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có cùng kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi".

Bản thân quy định này đã có sự thay đổi so với quy định trước đây tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 86 có nêu: "Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 08 năm tại đô thị loại đặc biệt, không quá 12 năm tại các địa phương khác".

Như vậy so với Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 47 đang tách hai mục trong điểm d khoản 1 điều 13, thành điểm 3 khoản 13.

Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Cũng theo vị quản lý hãng taxi này, Nghị định mới sẽ hạn chế các xe tư nhân quá 12 năm tuổi đăng ký "mào" (nốt chạy xe) tại đơn vị kinh doanh taxi.

Đại diện một trạm đăng kiểm tại Hà Nội cho biết chưa nhận thông tin thêm về Nghị định 47 mới. Hiện tại, các trạm vẫn kiểm định xe taxi theo quy định cũ. Tuy nhiên, theo vị này, Nghị định mới được đưa ra để cấm xe trên 12 năm kinh doanh taxi, nhưng vẫn được sử dụng cá nhân.

Người điều khiến phải chịu mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi "Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng)" theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ taxi có thể bị áp dụng mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu có hành vi: "Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải có chất lượng, niên hạn sử dụng không

bảo đảm điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký" theo quy định tại điểm i, Khoản 6, Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Nghị định cũng quy định từ ngày 1/7/2023, tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định.

Văn bản Nghị định nêu rõ: “Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước”.

Khoản 7 Điều 22 của Nghị định đưa ra thông tin về vấn đề cấp lại phù hiệu sau khi bị thu hồi: “Sau khi hết thời gian bị thu hồi phù hiệu, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định”.