Hãng xe VinFast đã bắt đầu giao những chiếc xe đầu tiên tới tay khách hàng, bên cạnh đó họ cũng bắt đầu tổ chức cho chạy thử rộng rãi hai mẫu xe Lux A 2.0 và Lux SA 2.0 trên cả nước. Vừa qua, nhóm chúng tôi có dịp cầm lái hai mẫu xe này trên những cung đường rộng rãi của thành phố mới Bình Dương và trên sân của trường đua Đại Nam (Bình Dương).
Thiết kế ngoại thất và chất lượng hoàn thiện bên trong nội thất.
Sơ nét về tổng thể thiết kế của hai dòng xe Vinfast LUX SA2.0 và LUX A2.0 đang được giao đến tay khách hàng Việt. Về thiết kế, hai mẫu xe này không có thay đổi đáng kể nào về ngoại thất giữa bản concept từ khi được trình làng ở Paris Motor Show 2018. Nhìn chung thiết kế ngoại thất của LUX SA 2.0 khá ổn về mặt thẩm mỹ, tuy nhiên nếu các phần chữ và logo phía sau được làm nhỏ đi hay được thu hẹp khoảng cách, sẽ mang lại thêm sự tinh tế cho đuôi xe. Xe được trang bị bộ mâm kích thước 19 inch khá đẹp và phù hợp với tổng thể của xe.
Hãy khoan đặt Lux A2.0 và SA2.0 vào các phân khúc xe trên thị trường, tạm thời chúng ta có thể xem nó là một ngoại lệ. Khi nói về kích thước, mẫu sedan A2.0 mang kích thước dài x rộng x cao lần lượt: 4.973 x 1.900 x 1.464 mm và chiều dài cơ sở 2.968 mm. Đây là kích thước tương đương với các mẫu xe sedan hạng sang cỡ trung trên thị trường, nó bao gồm: Mercedes-Benz E-Class, BMW 5-Series hay Audi A6. Hay nói cách khác, kích thước A2.0 lớn hơn Camry, Accord hay Mazda6. Bên cạnh đó, Lux A2.0 sử dụng hệ dẫn động cầu sau (RWD) thay vì cầu trước (FWD) như tất cả các mẫu sedan hạng D phổ thông trên thị trường.
Tương tự ‘’người anh em’’ Lux A2.0, mẫu SUV 7 chỗ Lux SA2.0 cũng mang những thế mạnh nằm ở kích thước và hệ dẫn động cầu sau (RWD). Như đã đề cập, khung sườn của SA2.0 được lấy từ BMW X5 (F15), chính vì thế SA2.0 có kích cỡ dài x rộng x cao lần lượt: 4.940 x 1.960 x 1.773 mm đi cùng với chiều dài cơ sở 2.933 mm. Nhìn chung, kích thước và ‘’vóc dáng’’ của Lux SA2.0 khá đồ sộ, nó tương đương với BMW X5, Mercedes-Benz GLE và Volvo XC90 nếu đặt cạnh. Tuy nhiên, Lux SA2.0 chưa đủ tầm để ‘’ngồi chung mâm’’ với những ‘’anh lớn’’ SUV từ các thương hiệu sang trọng đến từ châu Âu, mặc dù kiểu dáng nó rất sang trọng.
Đánh giá thiết kế, VinFast Lux A2.0 và SA2.0 đều sở hữu ngoại thất đẹp mắt và sang trọng. Thiết kế của Lux mang sức hút mạnh mẽ với người đối diện, nó khiến người đi đường ngoái nhìn khi dừng chờ đèn đỏ hay đỗ xe bên đường
Về nột thất, ấn tượng nhất chính tiếng đóng cửa chắc nịch cho cảm giác chắc chắn và cao cấp. Rất tiếc, không có cửa sổ trời trên cả hai mẫu xe. Điều đặc biệt là Lux SA và A được thiết kế tổng thể bảng táp-lô và vô lăng tương tự nhau, nếu không muốn nói rằng nó giống hệt nhau. Ngay chính giữa trung tâm bảng táp-lô là màn hình cảm ứng giải trí đa chức năng kích thước 10,5 inch đặt hơi nghiêng về người lái, gọi là đa chức năng vì nó được tích hợp nhiều hệ thống gồm: điều hoà, định vị, kết nối bluetooth, camera 360,…
Bên trong nội thất của LUX SA 2.0 nhìn chung sử dụng chất liệu tốt, phối kết tỉ mỉ, ghế ngồi đầm chắc, mặt da mịn. Nhưng sẽ phải mất kha khá thời gian để quen với một thiết kế mới theo xu hướng màn hình trung tâm to như một máy tính bảng, vốn hầu như chưa có ở những mẫu ô tô đang lăn bánh tại Việt Nam.
Màn hình chất lượng hiển thị chỉ đủ dùng và chưa thực sự ‘’sướng con mắt’’ khi có mang độ phân giải 480x640 pixel. Cách đặt màn hình cỡ lớn này rất hiện đại và giúp cabin được tối giản. Nhưng đối với nhiều người, tại vị trí này họ vẫn thích lối thiết kế kiểu truyền thống hơn gồm: các nút bấm, vặn xoay, cửa gió điều hoà và tất nhiên là màn hình cảm ứng trung tâm tại vị trí này, hơn là đặt một màn hình cỡ lớn. Thao tác tăng chỉnh điều hoà, mức gió qua các núm vặn, nút bấm sẽ nhanh hơn trong lúc cầm lái, hơn là tập trung để thao tác trên màn hình.
Trên cả hai dòng Lux được trang bị cụm đồng hồ lái dạng analog truyền thống, nó được tích hợp màn hình hỗ trợ lái phía trên hiển thị đầy đủ thông tin cần thiết một cách trực quan. Vô lăng 3 chấu tích hợp nhiều nút bấm. Nút bấm trên vô lăng Lux là chi tiết mà nhiều người chú ý nhất khi nói về độ hoàn thiện chi tiết của nội thất Lux. Những điểm cộng như ghế ngồi thoải mái rộng rãi, chất liệu da bọc ghế mềm mại và mát, hệ thống điều hoà làm lạnh nhanh. Đặc biệt là cột A trên 2 mẫu xe được ‘’vát’’ mỏng thoáng tầm nhìn cho người lái lúc quay đầu hay đi vào bùng binh.
Thực tế, trên cả hai dòng xe ở một số chi tiết nhựa nhỏ vẫn chưa thật sự sắc nét, hay nói chính xác hơn chính là độ hoàn thiện chưa ở mức cao nhất. Nhưng điểm cộng lớn nhất vẫn là chất liệu tạo nên tổng thể khoang nội thất bằng da chất lượng rất tốt. Đây là một pha cứu thua rất đáng kể đã được trang bị trên hai dòng xe.
Khả năng vận hành trong đường thử và trên phố
Từ lúc nhận được lời mời để trải nghiệm hai dòng xe này, nhóm chúng tôi đã rất háo hức và một phần là chiếc xe tôi quan tâm và muốn được tự tay cầm lái trên đường phố Việt. Đầu tiên phải nói đến chính là khả năng thực hiện những bài thử thách do các chuyên viên nước ngoài tạo ra. Trên sân lái thử tất nhiên có hai dòng xe của VinFast, nhưng sẽ được lái ngẫu nhiên nếu đến lượt, chiếc xe tôi cầm lái LUX SA 2.0 chạy được 03 vòng trường đua Đại Nam và ngồi ở những vị trí khác nhau. Thế nên cũng có thể cảm nhận được một vài điều từ trải nghiệm ngắn ngủi này.
Về cách âm, có thể nói chiếc xe có cách âm khá theo cùng nhận định như những đồng nghiệp, điều này cũng có thể cảm nhận ngay qua tiếng đóng của xe rất chặt và đầm. Khả năng tăng tốc của LUX SA 2.0 cũng rất ấn tượng, khối động cơ N20 tăng áp được tinh chỉnh lại từ BMW có công suất 228 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 350 Nm, kết hợp hộp số tự động 8 cấp. Nói cho công bằng thì, chúng ta không thể đòi hỏi chiếc xe này có khả năng tăng tốc, phấn khích như chiếc BMW X5 F15 được trong những pha nạp ga bức tốc nhanh, vẫn có độ trễ nhất định trước khi mọi thứ bắt nhịp trong khoảnh khắc 1-2 giây sau đó thì sức mạnh của chiếc xe mới thể hiện rõ ràng được.
Trong khi đó, BMW không áp dụng động cơ N20 cho BMW X5, vì họ có quá nhiều động cơ công suất lớn hơn để định nghĩa X5 là một phân khúc SUV cao cấp về hiệu suất đồng nghĩa với việc số tiền bạn phải chi ra cũng lớn hơn nhiều để sở hữu.
Đối với VinFast là một nhà sản xuất ô tô mới trên thế giới, việc mua được bản quyền động cơ N20 đã là một thành công, và việc xây dựng bước đầu LUX SA 2.0 dựa trên động cơ N20 và nền tảng BMW X5 F15 cũng là điều quá tốt về mặt công nghệ, sức mạnh của xe vẫn dư khả năng đáp ứng cho nhu cầu dịch chuyển hàng ngày và cường độ cao. Với 228 mã lực trong mặt bằng chung hiện nay của SUV cỡ trung, LUX SA 2.0 là cũng nằm trong top khá về hiệu suất rồi.
Nhiều khi, tôi vẫn luôn muốn đẩy cao tốc độ hơn nữa, để trải nghiệm những tình huống giả lập trên đường, nhưng vì tôn trọng theo sự hướng dẫn của ban tổ chức nên nó nằm trong giới hạn được đưa ra. Tuy nhiên theo cảm giác của tôi đã chạy thử khá nhiều các dòng X Series của BMW, nên có thể tin rằng chiếc SUV LUX SA 2.0 có thể làm được ít nhất là 70% so với những chiếc X5 về khả năng đáp ứng xử lý trong những tình huống khó.
Ở tình huống tăng tốc nhanh và phanh nhanh, dù khả năng đề pa không mấy ấn tượng ở những giây đầu tiên, nhưng sau đó chiếc xe chuyển sang trạng thái bùng nổ và bắt nhịp nhanh ở những giây sau đó. Khả năng phanh gấp trên đường của LUX SA xứng đáng đạt điểm khá, quãng phanh ngắn, cảm nhận được hoàn toàn khả năng nhấp nhả của ABS hoạt động liên tục trên quãng phanh, quan trọng hơn là chiếc xe dừng hẳn nhưng thân xe vẫn thẳng tắp, không hề bị xiên hay văng đuôi.
Vô-lăng của LUX SA 2.0 trang bị trợ lực thủy lực điều khiển điện tử, cũng phải theo xu hướng chung thôi khi bây giờ có chín người mười ý, đám thích tốc độ thì thích nó phải nặng và đầm chắc, người trung niên và phái yếu thì cứ phải gọi là mềm mại dễ điều khiển. Quả thật vô-lăng của LUX SA 2.0 ở tốc độ thấp và trung bình thì nhẹ, cũng chính ở điểm này mà nó lại khiến cho có một sự đề phòng nhất định trong những cú đánh vô lăng gấp trong các góc cua gắt hay đánh võng zíc zắc, nhưng vô-lăng của xe LUX SA sẽ chính xác nếu bạn quyết đoán và nhanh gọn trong những pha bẻ vô-lăng gấp, hãy cứ yên tâm việc còn lại để cho chiếc xe tự làm vì các tình huống bẻ góc bánh xe, độ bám, hay thông số tốc độ… đã được thiết lập trước đó trong ECU để xe đưa ra những phản ứng chính xác.
Có lẽ vì tôi đã trải nghiệm quá nhiều xe Đức nên tôi có một chút máu liều, và tôi nhận ra rằng LUX SA có thể làm điều còn lại cho mình. Còn nếu bạn hơi đề phòng và không dám đẩy cao trải nghiệm thì sẽ cho rằng chiếc xe cũng chỉ xoàng như các thương hiệu châu Á, nghĩa là vòng cua của bạn sẽ phải rộng và dài hơn khiến cho chiếc xe có gì để mà thú vị.
Với các góc cua tay áo, mặc dù bị giới hạn về tốc độ, nhưng trong điều kiện như vậy nó cũng mô phỏng không khác gì trong những cung đường đồi núi hiểm trở của Việt Nam, và phần này thuộc về sự cân bằng của chiếc xe, chiếc LUX SA 2.0 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nên nhớ rằng chỉ chiếc xe hay mới mang lại sự tự tin cho bạn trong các tình huống đẩy tốc độ cao, bẻ lái gấp, chứ không phải bạn lái giỏi đâu. VinFast LUX SA 2.0 không hiện diện các chế độ lái: Eco, Comfort, Sport, hay lẫy chuyển số trên vô-lăng, có lẽ đội ngũ thiết kế xe có lý do riêng của mình.
Cảm nhận trên các cung đường phố, cả hai sản phẩm đều sử dụng nền tảng hệ dẫn động cầu sau (RWD) và hộp số tự động 8 cấp từ ZF (ZF Friedrichshafen AG) của Đức, hộp số này vốn quen thuộc với các mẫu xe nhà ‘’BIM’’. Với trọng lượng thấp hơn Lux SA2.0, Lux A2.0 cho cảm giác tăng tốc tốt hơn. Khi đạp thốc chân ga, động cơ 2.0L này tỏ ra trễ ở vài giây đầu, nhưng sau đó nhanh chóng tăng tốc nhanh khi hệ thống turbo ‘’boost’’ bắt đầu hoạt động hiệu quả nhờ vào luồng khí xả. Vô lăng Lux cho khả năng xử lý tốt, chính xác, thân xe ổn định và vững vàng kèm một chút rung nhẹ khi thực hiện bài test phanh gấp ở tốc độ hơn 80 km/h.
Ở mẫu SUV, mặc dù có công suất 228hp tương đương sedan nhưng xe có trọng lượng lớn hơn A2.0 nên khả năng tăng tốc không nhanh như mẫu sedan. Khi xe test ở đoạn đường vắng và đủ điện kiện an toàn giao thông, Lux SA2.0 tăng tốc từ 0 – 100km/h trong khoảng thời gian dưới 12 giây (xe 04 người lớn). SUV SA2.0 có sự ổn định, đầm chắc và cho cảm giác cầm lái tốt, thậm chí khi test người lái rất tự tin khi vào cua (lơi) ở tốc độ trên 80 km/h. Hệ thống cân bằng điện tử trên xe can thiệp ngay lập tức khi xe có hiện tượng thiếu lái (understeer) khi vào cua làm giảm rủi ro gặp tai nạn khi di chuyển ở tốc độ cao.
Lux SA và A được trang bị tiêu chuẩn hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), chức năng phân phối lực phanh điện tử (EBD), hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA), cân bằng điện tử (ESC), chống trượt (TCS), khởi hành ngang dốc (HSA), hỗ trợ xuống dốc (HDC), chống lật (ROM), đèn báo phanh khẩn cấp (ESS) và 06 túi khí.
Đánh giá
Có một điểm tựa của xe VinFast mà chúng ta tin tưởng sử dụng, đó là nền tảng những chiếc xe sản xuất đã được kiểm chứng từ những nền công nghiệp xe hàng đầu là Đức, được các công ty thiết kế có tiếng tăm trong làng ô tô thế giới chấp bút, có đầu tư bài bản và chiêu mộ được những nhân sự hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới, vậy nên không có lý do gì để nghi ngại. Được biết, kể từ đầu tháng 10/2019, VinFast đã điều chỉnh giá bán cho Lux. Cụ thể, Lux A2.0 có mức giá từ 1,040 – 1,289 tỷ đồng, và Lux SA2.0 có giá từ 1,464 – 1,789 tỷ đồng.
Lux A2.0 và Lux SA2.0 được quảng bá là mẫu xe ‘’Thiết kế Ý - Kỹ thuật Đức - Tiêu chuẩn quốc tế’’. Bản thân hai mẫu xe Lux được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm của BMW, cụ thể là khung của 5 Series (thế hệ F10) cho A2.0 và X5 (thế hệ F15) cho SA2.0. Chính ‘’chiếc xương sống’’ này mang lại một kích thước lớn cho cặp đôi SUV và sedan.
Nếu trong tầm tiền hơn dưới 1,8 tỷ đồng thì hai dòng xe thuộc hãng sản xuất Vinfast là một lựa chọn tốt so với các đối thủ mà hai dòng xe này bị xếp vào. Cảm giác lái và khả năng đủ làm cho những khách hàng quan tâm thật sự hài lòng và đặc biệt, khi sở hữu một trong hai dòng xe này và di chuyển trên phố, chủ xe sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của những người xung quanh.