Vận hành mượt mà, ổn định
Ở bài thử đầu tiên, lái thử chiếc xe trên đường vòng (bùng binh), khu vực này được làm ướt để người lái có thể cảm nhận sự khác biệt giữa chế độ Normal (bình thường) và Wet (trơn trượt).
Ở 2 vòng đầu tiên ở chế độ Normal, chiếc xe có cảm giác bị trượt và mất độ bám nhẹ mặc dù hệ thống kiểm vào cua chủ động AYC đã hoạt động. Khi bật chế độ Wet, AYC sẽ can thiệp sâu hơn vào hệ thống lái so với Normal, tăng sự ổn định khi vào cua bằng việc phanh ở những vị trí bị trượt, cùng lúc đó, độ nhạy chân ga sẽ giảm, tay lái sẽ siết hơn và kiểm soát lực kéo cũng phân bổ mô men xoắn tốt hơn giúp chiếc xe vào cua ổn định và an toàn.
Mitsubishi cũng gia cường thêm các mối ghép và thêm chi tiết chịu lực ở phía sau xe giúp tăng khả năng vặn xoắn cũng như cải thiện khả năng lái cho chiếc Xforce. Đi kèm với hệ thống treo được tinh chỉnh, tăng chiều rộng trục và góc caster (góc đặt bánh xe) ở treo trước, ở treo phía sau được tăng kích thước và cải thiện cao su giảm chấn, nhờ đó tăng đáng kể khả năng đánh lái cũng như kiểm soát khi lái xe.
Mitsubishi sử dụng động cơ 1.5L giống Xpander, riêng hộp số CVT được tinh chỉnh để phù hợp hơn với từng chế độ lái. Ở bài thử tăng tốc với 5 người ngồi trên xe, Xforce tăng tốc khá tốt, khi qua tốc độ 50 km/h, hộp số CVT tạo cảm giác lên số phản hồi như hộp số có cấp. Nếu muốn chạy thể thao, phấn khích hơn, sử dụng chế độ lái DS ở ngay trên cần số.
Ở các ngã rẽ trên đường thử đất và gồ ghề, sử dụng chế độ lái Gravel (đá sỏi), hệ thống AYC giúp chiếc xe vào cua “khá ngọt”, giúp người lái cảm nhận rõ sự ổn định, độ bám đường. Khoảng sáng gầm xe lên tới 222 mm giúp Xforce vượt qua các bài thử địa hình khó từ lên xuống dốc, đi nghiêng khá đơn giản.
Trang bị công nghệ và công thái học
Mitsubishi Xforce vẫn áp dụng ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield quen thuộc, có nhiều chi tiết hiện đại và thể thao hơn. Phần đèn pha chữ T đi kèm lưới tản nhiệt hình thang và họa tiết kim cương đen mang tới vẻ ngoài bắt mắt hơn hẳn so với các mẫu xe cùng phần khúc, đèn định vị ban ngày cũng được làm lớn và đối xứng với đèn xi nhan, riêng đèn sương đặt ở dưới cản trước.
Ở phía sau đèn hậu cũng được thiết kế tương tự, đèn xi nhan được làm nhỏ ẩn trong đèn hậu. Phiên bản Premium có thiết kế 2 tông màu với trần xe sơn đen, la zăng 18 inch lớn nhất phân khúc.
Không gian nội thất của Xforce nổi bật với màn hình hiển thị 8 inch sau vô lăng và màn hình 12,3 inch cảm ứng hiển thị thông số tọa độ, góc nghiêng, phương hướng, minh họa theo các chế độ lái, áp suất lốp. Đặc biệt, xe còn có chế độ chấm điểm lái xe do chuyên gia lái xe đặt tiêu chuẩn, giúp người lái cải thiện kĩ năng lái trong quá trình lái xe. Xe vẫn có kết nối Apple Carplay/Android Auto, sạc không dây đèn viền nội thất, phanh tay điện tử và điều hòa tự động 2 vùng độc lập.
Trên phiên bản Premium, ghế xe được bọc da nhưng ở phần táp lô sử dụng vải melange chống bám bụi bẩn rất tốt và dễ dàng vệ sinh. Trong quá trình trải nghiệm, chúng tôi đã kiểm tra bằng cách thử đổ cafe lên và lau bằng khăn ướt, kết quả cho thấy chất liệu vải dễ lau chùi và không lưu màu. Một ưu điểm trên mẫu xe này là rất nhiều khe để đồ nhỏ, giúp tối ưu không gian, tiện dụng trong quá trình sử dụng thực tế.
Tổng thể, Mitsubishi Xforce sở hữu trang bị ngang bằng với các mẫu xe cùng tầm giá trong phân khúc mà còn có thêm một số tùy chọn riêng mang tới lợi thế nhất định. Đây hứa hẹn là một mẫu xe lý tưởng dành cho khách hàng trong phân khúc xe crossover hạng B.
Anh Quân (KenhTinXe.Com)