Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vừa công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM), cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng.
Sở hữu quy mô đầu tư 10.000 ôtô và 100.000 xe máy, hoạt động với 2 mảng chính: Taxi điện và cho thuê ô tô - xe máy điện, GSM dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng tới tại Hà Nội.
Hãng xe này đang đăng tuyển các tài xế với sứ mệnh phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa và lan tỏa lối sống xanh đến với cộng đồng. Theo đó, các tài xế tham gia có thể hưởng lương cứng 11 triệu đồng cộng với hoa hồng lên đến 25% tổng doanh thu hằng tháng. Tài xế còn được tham gia BHXH sau 2 tháng thử việc và được đào tạo bài bản về ngành dịch vụ vận tải, được tư vấn lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng.
Thông tin này nhanh chóng gây chú ý đến người tiêu dùng. Anh Vũ Minh Tuấn (ngụ quận 8, TP HCM, đang chạy xe công nghệ) cho rằng dịch vụ này nếu được triển khai tại TP HCM thì anh sẽ tham gia ngay lập tức.
Taxi xe điện được dự báo thu hút đông khách hàng
Còn theo chị Lê Kim Huệ (quận Bình Thạnh, TP HCM), nếu có dịch vụ taxi xe điện, chắc chắn chị sẽ sử dụng thường xuyên, kể cả giá cước có cao hơn, nhằm bảo vệ môi trường. Tương tự, anh Dương Chí Hào (quận Phú Nhuận, TP HCM) thường xuyên đi làm bằng xe công nghệ, xác nhận sẽ bỏ hẳn xe công nghệ để chuyển sang xe điện.
Lãnh đạo một hãng taxi truyền thống tại TP HCM cho rằng sẽ mệt mỏi thật sự vì số lượng 10.000 xe mà GSM công bố là quá lớn, chưa kể với mức lương cứng hơn chục triệu đồng và hoa hồng 25% thì sẽ thu hút tài xế đầu quân về đây.
Còn đại diện một hãng xe công nghệ cũng cho biết đang theo dõi sát sao sự việc để có chính sách, chiến lược thích hợp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng việc Vingroup chọn thời điểm ra xe điện, dấn sang kinh doanh vận tải do muốn đẩy số lượng xe chưa bán được ra kinh doanh bằng hình thức cho thuê. Với tình hình khó khăn hiện nay, việc kinh doanh sẽ gặp thách thức rất lớn vì GSM buộc phải mạnh tay chi tiền làm truyền thông, tuyển dụng, khuyến mãi cho người tiêu dùng...
Ông Hùng nhận xét taxi truyền thống vẫn sẽ kiên định con đường lâu nay như: có đầy đủ bộ nhận diện từ màu sơn, hộp đèn, logo, đồng hồ tính tiền, lái xe bắt buộc phải qua đào tạo kỹ càng, liên tục. Các hãng vừa làm vừa kiểm soát chất lượng phục vụ theo xu thế chung về công nghệ.
Khách hàng hưởng lợi
Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, cho biết taxi điện sẽ tạo ra việc làm, tăng cạnh tranh khiến các bên phải đưa ra nhiều gói khuyến mãi để chiếm hoặc giữ vững thị phần, người hưởng lợi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. Mức độ thành công trong ngắn hạn thì có thể chiếm được thị phần vì là hãng xe Việt với nhiều khuyến mãi nhưng có thể bị triệt tiêu như một số xe công nghệ trước đây nếu cạn về tài chính.
Còn theo chuyên gia kinh tế GS-TS Đinh Trọng Thịnh, sử dụng xe điện vào nhiều loại hình dịch vụ sẽ thành công nhờ bảo vệ môi trường, chưa kể đây là thương hiệu Việt nên mức độ thành công sẽ cao hơn.
Dịch vụ xe điện này khi đưa vào hoạt động sẽ giúp cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu xe điện, từ đó trạm sạc cũng sẽ phát triển khắp các tỉnh thành. Điều quan trọng nữa là giúp người tiêu dùng tin dùng vào xe điện. Ngoài ra, khi dịch vụ xe điện hoạt động còn tác động đến các hãng xe công nghệ khiến họ không thể tăng giá, tăng phí vô tội vạ.