Thiếu trạm sạc, giải pháp nào dành cho người dùng xe điện?

Theo các chuyên gia, số lượng trạm sạc xe công cộng đang không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện của người dân. Đây là bài toán khó cần các ban, ngành, đoàn thể chung tay giải quyết.

Khi tương lai sắp “chết yểu”

Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải. Ngành Giao thông Vận tải cũng đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Hiện nay, các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện được xem là tương lai của ngành giao thông, khi người dân tại các thành phố lớn ngày càng ưa chuộng loại xe này. Theo thống kê Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2023, đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước.

Thiếu trạm sạc, giải pháp nào dành cho người dùng xe điện? - Ảnh 1.

Trạm sạc tại Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội.

Tuy nhiên, số lượng trạm sạc trên đường còn thiếu, không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các phương tiện chạy điện. Hệ thống lớn nhất làm trạm sạc là VinFast với hơn 150.000 cổng cho cả xe máy và ôtô, đặt tại bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu,..; ngoài ra, người dân chủ yếu tự sạc tại nhà.

Tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam” tại trụ sở của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, GS.TS. Wilmar Matinez, Chuyên gia nghiên cứu về năng lượng điện cho biết: “Ở Việt Nam, khái niệm ô tô điện còn mới. Số lượng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh còn khá thấp nếu so sánh với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến các trạm sạc điện trên đường, đặc biệt là đường cao tốc, không được phổ biến như tại các quốc gia khác”.

Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chuyên viên Tập đoàn điện lực Việt Nam, số lượng trạm sạc không phải là vấn đề duy nhất. Việc tăng cường trạm sạc xe trên đường cao tốc cũng cần phải tính toán số lượng xe cần sạc và thời điểm sạc xe tại mỗi trạm để tránh gây áp lực lớn lên hệ thống điện trên toàn quốc, gây mất điện cục bộ. Hiện nay, hệ thống trạm sạc công cộng hiện tại đã chiếm tới 10% năng lượng điện cả nước.

“Nếu không giải được bài toán về trạm sạc thì khó lòng đạt được mục tiêu thay thế hoàn toàn xe chạy xăng, dầu bằng xe chạy điện trong tương lai”, ông Vĩnh cho biết.

Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các nước bạn

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Trọng cho rằng, giống như các quốc gia phát triển, Việt Nam cần phải khuyến khích, động viên các tổ chức tư nhân có thể góp vốn để tăng cường trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc. Các chính sách khuyến khích có thể bao gồm: miễn thuế trong 5 năm đầu sau khi đưa các trạm sạc đi vào hoạt động, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo,…

GS.TS. Wilmar Martinez cũng cho biết các nước trên thế giới đặc biệt là Đức và Na Uy cũng đã triển khai chính sách tài chính và thuế để khuyến khích hạ tầng này; đồng thời cũng đưa ra những quy định nghiệm ngặt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc, tiêu chuẩn hóa điểm sạc, nguồn và tốc độ sạc; cũng như các quy định về sạc công cộng và sạc tại nhà.

Thiếu trạm sạc, giải pháp nào dành cho người dùng xe điện? - Ảnh 2.

GS.TS. Wilmar Martinez phát biểu tại hội thảo

“Na Uy đang dẫn đầu thế giới về số lượng ô tô điện được sử dụng trên cả nước, và số lượng trạm sạc của họ cũng vậy. Đức cũng đang tiến tới đạt mục tiêu xây dựng 1 triệu trạm sạc công cộng đạt tiêu chuẩn vào năm 2030”, ông Martinez nói.

Thông qua khảo sát tại các quốc gia châu Âu, ông Matinez cũng nhận thấy các quốc gia cũng ưu tiên đặt trạm sạc tại những tuyến đường có mật độ giao thông cao như đường cao tốc và đầu tư cho hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu tăng cường số lượng trạm sạc. Ngoài ra, còn có các đội ngũ chuyên gia thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống điện tại các trạm sạc để phòng tránh các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Về vấn đề tiết kiệm điện năng khi sử dụng các trạm sạc, TS. Nguyễn Bảo Huy (Đại học Bách khoa, Hà Nội) cho biết, Việt Nam có thể áp dụng hệ thống “Smart Charging”. Hệ thống này sử dụng công nghệ giám sát từ xa để quản lý thời gian sạc điện và phương thức sạc điện của ô tô tại mỗi trạm; đồng thời cung cấp dữ liệu về thời gian và chi phí sạc điện, các trạm sạc hiện có trong khu vực lân cận để phục vụ nhu cầu của người dân. Với phương pháp này, Việt Nam có thể phân bổ đều số lượng xe tại các điểm sạc, tránh sạc nhiều xe trong giờ cao điểm dẫn đến sập điện do quá tải.

“Bài toán trạm sạc cho xe điện là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, nếu được đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm trên thực tế và có các chính sách khuyến khích từ chính phủ, tôi tin rằng sẽ có lời giải cho bài toán này”, GS.TS. Wilmar Martinez nói.