Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam đã cuốn theo nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng cao, nhất là các mẫu xe thể thao đa dụng (SUV).
Trong số các sản phẩm SUV hiện nay thì Mazda CX-5 và Hyundai Santa Fe đang ghi được nhiều điểm cộng, cuốn hút đông đảo người hâm mộ. Trong thực tế, hai mẫu xe này đem tới những lựa chọn hấp dẫn người người tiêu dùng ở nhiều góc độ.
Về ngoại thất
Phải nói ngay rằng, Hyundai Santa Fe thuộc dòng SUV hạng D, còn Mazda CX-5 được xếp vào dòng SUV hạng C. Nằm ở phân khúc thấp hơn nên CX-5 có kích cỡ nhỏ hơn so với dòng xe Santa Fe. Cụ thể, kích cỡ dài x rộng x cao của Santa Fe là 4.830 x 1.900 x 1.720 mm. Còn chỉ số tương ứng của CX-5 là 4.590 x 1.845 x 1.680 mm, nhỏ hơn đối thủ ở mọi chiều cạnh.
Kích thước rộng cho phép cấu hình của Santa Fe đạt 7 chỗ ngồi, còn CX-5 là 5 chỗ ngồi. Nhưng có điểm lưu ý rằng, CX-5 có độ sáng gầm khá tốt, đạt 200 mm, cao hơn chỉ số 176 mm của Santa Fe. Sự khác biệt lớn nữa chính là Santa Fe thiết kế kiểu hình hộp vuông vức và bề thế, còn CX-5 lại theo đuổi kiểu thiết kế giàu cảm xúc, nhấn mạnh tới sự khéo léo và tinh tế.
Sự khác biệt về triết lý thiết kế này được thể hiện đồng bộ trên xe Santa Fe và CX-5. Phần đầu của Santa Fe góc cạnh, lưới tản nhiệt hình chữ nhật, nối liền hai cụm đèn hình chữ H lại với nhau. Giữa lưới tản nhiệt là dải đèn LED định vị ban ngày. Kích cỡ đèn pha LED cỡ lớn tăng độ hoành tráng cho xe.
Còn lưới tản nhiệt của CX-5 tạo hiệu ứng 3D, tạo hình dạng xếp tầng và họa tiết đường viền crôm sang trọng. Cản trước xe bo cong làm nổi bật sự liền mạch và cao cấp. Cụm đèn pha với 2 dải đèn LED định vị mới, tao hình đôi mắt khá ấn tượng.
Thân hình của Hyundai Santa Fe lớn, đi kèm với bộ mâm bánh xe lớn 21 inch. Kích cỡ này vượt trội so với bộ mâm 19 inch của Mazda CX-5. Nhưng nhìn chung cả hai đều thể hiện ngoại hình nổi trội khi di chuyển trên đường phố.
Về nội thất
Lợi thế về ngoại hình rõ ràng đem lại lợi thế về không gian nội thất rộng rãi trên Hyundai Santa Fe. Hơn nữa mẫu xe xuất xứ Hàn Quốc này lại thuộc phân khúc hạng D nên có các trang bị tiên tiến ngập tràn. Nổi bật trong khoang cabin của Santa Fe chính là màn hình cong lớn, đặt nổi trên nền taplo xe. Đây chính là mẫu màn hình liền khối đang rất thời thượng. Phía trước màn hình là vô lăng thiết kế 3 chấu bọc da có nhiều nút bấm chức năng. Xe còn có lẫy chuyển số thể thao và cần số điện tử mới.
Hyundai Santafe mới hiện nay nhận được những nâng cấp vượt bậc về trang bị tiện nghi, tiêu biểu gồm: Cổng USB Type C; hai sạc điện thoại không dây; đèn viền nội thất nhiều màu; camera hành trình; hệ thống âm thanh Bose; hộc đựng găng khử trùng UV-C cho điện thoại/ví tiền nằm trên mặt táp-lô và điều hòa tự động, mặt táp-lô thiết kế ngôn ngữ mới, cửa gió điều hòa, chỉ thêu trên ghế và rất nhiều sự mới mẻ khác.
Mazda CX-5 cũng sở hữu vô lăng bọc da và có lẫy chuyển số. Màn hình cảm ứng đa chức năng cho phép các kết nối như Apple CarPlay và Android Auto. Nếu màn hình giải trí của Santa Fe lớn hơn 12 inch thì trang bị tương ứng của CX-5 chỉ 8 inch.
Tất nhiên cũng còn tùy vào phiên bản để so sánh. Với CX-5 2.5 Signature Exclusive thì cũng có khá nhiều nổi trội về trang bị nội thất. Phiên bản này sở hữu chất liệu da nappa cao cấp, ghế lái có khả năng chỉnh điện và nhớ 2 vị trí, ghế hành khách trước cũng có thể chỉnh điện, cùng màn hình HUD và cửa sổ trời.
Động cơ và trang bị an toàn
Tại thị trường Việt Nam, Hyundai Santa Fe có 2 tùy chọn động cơ xăng. Đó là khối động cơ I4, dung tích 2.5L tăng áp, đạt công suất tối đa 281 mã lực và mô-men xoắn cực đại 422 Nm. Ngoài ra còn có tùy chọn khối động cơ xăng I4, dung tích 2.5L hút khí tự nhiên, cho công suất tối đa 194 mã lực và mô-men xoắn cực đại 246 Nm.
Còn Mazda CX-5 được trang bị động cơ Skyactiv -G 2.0L. Khối động cơ này nhỏ hơn động cơ của Santa Fe, nên CX-5 chỉ đạt công suất tối đa 154 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 200 Nm tại 4.000 vòng/phút. So sánh về độ mạnh thì rõ ràng Santa Fe vận hành nổi trội hơn mẫu xe CX-5.
Cả Santa Fe và CX-5 đều được các nhà sản xuất trang bị nhiều tính năng an toàn, giúp bảo vệ người sử dụng tốt hơn. Điển hình như các trang bị: chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh EBD, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp EBA, cảnh báo điểm mù, hỗ trợ leo dốc, cảnh báo phương tiện cắt ngang cùng nhiều tính năng khác.
Về giá bán
Mazda CX-5 có đa dạng các phiên bản tùy chọn, với giá niêm yết dao động từ 749-979 triệu đồng. Mức giá này hấp dẫn hơn nhiều so với giá bán của Hyundai Santa Fe. Mẫu SUV hạng D của Hyundai có giá niêm yết dao động từ 1,069-1,365 tỷ đồng.
Nhìn chung, Hyundai Santa Fe là dòng SUV hạng D có nhiều ưu thế hơn nhưng giá bán ra cũng đắt đỏ hơn. Còn CX-5 là dòng SUV hạng C tuy có lép vế hơn Santa Fe ở một số điểm, nhưng lại có giá bán hấp dẫn hơn, rẻ hơn hàng trăm triệu đồng. Những lợi thế của mỗi mẫu xe tạo ra sự cạnh tranh và sức thuyết phục khác nhau với việc “xuống tiền” mua mẫu xe nào của từng khách hàng, tùy theo sở thích và điều kiện của mỗi người.