Nhờ các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ, thị trường ô tô trong nước đã có những bước phát triển ấn tượng, với doanh số ô tô mới vượt ngưỡng 400.000 xe mỗi năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, xe nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với xe lắp ráp nội địa, chiếm 30,8% vào năm 2023. Điều này được thể hiện qua sự hiện diện của nhiều mẫu xe nhập khẩu, đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Ford Everest, Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce... Những mẫu xe nhập khẩu này, hầu hết đều góp mặt trong top 10 dòng xe bán chạy nhất tháng, quý, năm.
Tỷ lệ tin rao bán xe nhập khẩu đã qua sử dụng tăng lên 50% trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024. Điều này cho thấy nhu cầu về xe nhập khẩu đã qua sử dụng đang gia tăng mạnh, bởi niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn tin tưởng vào chất lượng của các dòng xe nhập khẩu so với xe lắp ráp trong nước.
Đơn cử như mẫu MPV bán chạy nhất phân khúc, Mitsubishi Xpander hiện đang phân phối cả phiên bản nhập khẩu và lắp ráp trong nước, nhưng lượng xe cũ nhập khẩu được rao bán trong quý 3/2024 đạt gần 4.000 tin, vượt xa so với lượng tin rao của xe lắp ráp.
Hai mẫu xe Foyota Fortuner và Ford Ranger cũng trong trạng thái trên, khi các xe có nguồn gốc nhập khẩu vẫn thu hút lượng người quan tâm lớn hơn.
Trong phân khúc xe hạng A cỡ nhỏ, Morning và Hyundai Grand i10 các phiên bản cũ nhập khẩu từ Hàn Quốc, đặc biệt từ năm 2015 trở về trước, vẫn giao dịch rất sôi động. Chỉ riêng trong quý 3/2024, đã có gần 7.000 tin rao bán các mẫu xe này.
Trong quý 3/2024, 10 mẫu xe cũ được tìm kiếm nhiều nhất chủ yếu thuộc phân khúc sedan hạng B và xe 7 chỗ kích thước lớn. Dẫn đầu là Toyota Vios với 800.000 lượt tìm kiếm, tiếp theo là Honda City (432.000 lượt) và Hyundai Accent (426.000 lượt). Ở phân khúc xe 7 chỗ, Toyota Innova ghi nhận 532.000 lượt tìm kiếm, Toyota Fortuner 518.000 lượt và Honda CR-V 482.000 lượt. Phần lớn các mẫu xe này đều có cả phiên bản nhập khẩu và lắp ráp trong nước đã qua sử dụng, được rao bán rộng rãi trên thị trường.
Tâm lý ưa chuộng xe nhập khẩu của người Việt Nam, đã tạo ra sự chênh lệch giá giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước đã qua sử dụng. Chẳng hạn như Kia Morning 2011 nhập khẩu có giá trung bình 188 triệu đồng, cao hơn 35 triệu đồng so với phiên bản lắp ráp. Điều này cũng diễn ra tương tự với một số cái tên khác như, Ford Ranger, Mitsubishi Xpander... vì đây là các mẫu xe có cả phiên bản nhập khẩu lẫn lắp ráp nội địa.
Kể từ tháng 4/2023, TC Motor đã lắp ráp Hyundai Creta tại Ninh Bình, với giá bán của mẫu Creta 2022 nhập khẩu cao hơn khoảng 5 triệu VNĐ so với bản sản xuất năm 2023. Sự chênh lệch giá cũng được thể hiện rõ với Ford Ranger 2021 và Toyota Fortuner 2021, khi giá xe cũ nhập khẩu cao hơn xe lắp ráp từ 15 đến 22 triệu VNĐ.
Mặc dù Chính phủ đã giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước từ năm 2020, nhưng xe nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế về giá trị. Đợt giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong 4 tháng cuối năm 2024 được xem là biện pháp cần thiết để tăng cường sức cạnh tranh cho ô tô sản xuất trong nước.