Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội bấm nút thông qua. Theo đó, nhiều quy định mới trong luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-1-2025.
Cảnh sát giao thông có được tuần tra, kiểm soát?
Tại Điều 65 của luật quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Theo đó, hoạt động tuần tra, kiểm soát được quy định bao gồm: Bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định chi tiết về quyền và nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông. Ảnh: TN
Hình thức tuần tra, kiểm soát, bao gồm: Tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông đường bộ; Kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu quy định.
Luật cũng quy định lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát, bao gồm: Lực lượng Cảnh sát giao thông; Lực lượng, đơn vị khác trong Công an nhân dân được huy động tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát, bao gồm: Quan sát, nắm tình hình người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ; Thực hiện các nội dung quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;
Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông đường bộ chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Giúp đỡ, hỗ trợ người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi cần thiết;
Chỉ huy, điều khiển giao thông;
Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;
Đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật; tham gia phòng, chống khủng bố, biểu tình gây rối, dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; tham gia cứu nạn, cứu hộ;
Phát hiện những bất cập về đường bộ, tổ chức giao thông đường bộ, nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thông báo cơ quan chức năng hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục;
Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ;
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quyền hạn của Cảnh sát giao thông
Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát, bao gồm:
Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 66 của Luật này để kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 68 và Điều 69 của Luật này;
Vận hành, sử dụng hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 67 và vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 70 của Luật này;
Các quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: Chấp hành quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền; Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác; Chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của mình theo quy định của pháp luật. |