Sáng 12-10, cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Huệ, Long An đã làm việc với tài xế Nguyễn Hữu Lâm (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), trong vụ ô tô 4 chỗ ngồi lao vào rạp đám tang làm bị thương nhiều người.
Tại buổi làm việc tài xế Lâm khai nhận, điều khiển ô tô 4 chỗ BKS 51A-648.58 chở theo vợ là Hoàng Thị Xuân (43 tuổi) lưu thông trên đường tỉnh 838 từ hướng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) đi huyện Đức Hòa.
Khi đến đoạn khu phố 4, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tài xế Lâm ngủ gật để xe chạy sang bên trái đường cùng chiều, sau đó lao lên lề đâm vào nhà dân đang có tang lễ khiến bị thương 5 người phải đưa bệnh viện cấp cứu.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Đức Huệ điều tra làm rõ nguyên nhân.
Hình ảnh chiếc ô tô lao vào đám tang bên đường. Ảnh: MXH
Theo các chuyên gia, việc lái xe đường dài dễ khiến các tài xế có cảm giác buồn ngủ nếu lái xe liên tục. Điều này có thể gây ra tai nạn trong những phút bất chợt mà không lường trước được.
Do đó, khi di chuyển, ngoài việc tỉnh táo, các lái xe nên bỏ túi một số kinh nghiệm như sau:
Chợp mắt vài phút khi cảm thấy quá buồn ngủ
Trong trường hợp tài xế quá buồn ngủ và không thực sự tỉnh táo để kiểm soát tay lái cũng không nên cố gắng lái xe đến một điểm nào đó mới nghỉ ngơi. Điều này dễ dẫn tới tình huống tài xế ngủ gật, buông tay lái, chệch làn đường và gây tai nạn đáng tiếc.
Thay vào đó, tài xế có thể dừng lại bên đường, chợp mắt khoảng 15-20 phút trước khi tiếp tục hành trình.
Hạ cửa kính xe để gió lưu thông
Trên thực tế, lái xe trên một quãng đường dài dễ khiến tài xế nhàm chán và buồn ngủ, đặc biệt khi không có người đồng hành cùng nói chuyện. Những lúc như vậy, tài xế có thể hạ một phần cửa sổ xuống để không khí lưu thông trong xe, tăng sự tỉnh táo và tập trung.
Tuy nhiên, nên hạ 1/3 cửa kính để tránh các tác động xấu của ngoại cảnh và tuyệt đối không được để tay hoặc các bộ phận khác của cơ thể ra ngoài cửa kính khi đang lái xe.
Lái xe đường dài dễ khiến cho các bác tài có cảm giác buồn ngủ. Ảnh: TN
Mang kẹo giúp tỉnh táo
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẹo cao su có thể khiến tài xế tỉnh táo hơn bởi hương vị mát lạnh, thông thoáng đầu óc. Bên cạnh đó, khi nhai kẹo cao su, cơ miệng hoạt động liên tục cũng giúp người nhai không bị nhàm chán, không dễ lịm theo cơn buồn ngủ.
Mặc dù không hẳn là một phương pháp triệt tiêu hẳn cơn buồn ngủ nhưng nhai kẹo cao su cũng góp một phần nhỏ giúp tài xế tỉnh táo trong trường hợp không thể dừng hành trình ngay lập tức.
Đáng chú ý, lái xe đường dài nên tránh dùng các loại đồ uống có caffeine và đồ ngọt hay các chất không lành mạnh để tăng cường sức khỏe.
Ăn đủ chất
Cơ thể con người khỏe mạnh sẽ điều khiển được mọi hành động theo suy nghĩ của mình. Vì vậy, mỗi tài xế nên chăm sóc cơ thể đảm bảo đủ chất. Một bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho các tài xế năng lượng lâu dài để lái xe.
Một lưu ý dành cho các tài xế đường dài, các thức ăn nhanh thường không mất nhiều thời gian chế biến và có thể mua dễ dàng, tuy nhiên đồ ăn này thường chứa nhiều chất béo, muối, đường và dễ làm cho lái xe cảm thấy mệt mỏi. Chính vì vậy, hãy lựa chọn những thức ăn có chứa nhiều carbohydrate và protein, sẽ cung cấp cho bạn khả năng chịu đựng lâu dài hơn. Ví dụ các loại thực phẩm như gạo lứt, thịt gà, trứng...
Tài xế có thể bật nhạc hoặc radio để thư giãn. Ảnh: TN
Bật nhạc hoặc radio
Bật nhạc hoặc radio sẽ giúp tài xế có thể thư giãn đầu óc hơn thay vì chỉ lái xe trong sự yên lặng và buồn tẻ. Tuy nhiên, bạn cũng không nên bật nhạc hoặc radio quá to vì điều này có thể khiến tài xế không nghe được tín hiệu cảnh báo của phương tiện xung quanh hoặc tín hiệu cảnh báo từ hệ thống trong trường hợp xe xảy ra sự cố hoặc trục trặc kỹ thuật.
Không lái xe liên tục suốt 4 tiếng
Các chuyên gia khuyên rằng nếu lái xe suốt 4 tiếng, khả năng tập trung của tài xế sẽ giảm sút do bộ não phải làm việc quá tải và hao tốn nhiều năng lượng. Do đó, khi lái xe đường dài, đặc biệt là xe tải, hầu hết các lái xe đều cần người lái thay phiên.
Vì vậy, nếu hành trình của bạn dài hơn 4 tiếng hãy có quãng thời gian nghỉ ngơi để thư giãn và lấy lại sức thay vì chạy xe liên tục.
Hơn nữa, pháp luật cũng quy định, căn cứ Khoản 1, Điều 65, Luật giao thông đường bộ năm 2008, thời gian làm việc của người lái ô tô: Người lái xe ô tô có thời gian làm việc không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.