Xe khan hàng, tăng giá nhưng doanh số vẫn bùng nổ
Từ đầu năm 2022, hàng loạt hãng xe đã công bố tăng giá các mẫu xe của mình, bao gồm cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Nguyên nhân được đưa ra là do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, giá linh kiện tăng cao khiến chi phí sản xuất bị đội giá khá nhiều.
Trên khắp các diễn đàn, người dùng liên tục phàn nàn về tình trạng xe khan hàng, tăng giá, bán bia kèm lạc khiến họ bức xúc. Tuy nhiên, các báo cáo thị trường cho thấy những rào cản đó không làm thị trường nguội đi.
Doanh số của các hãng xe lớn trong tháng 4. Số liệu: VAMA, TC Motor, VinFast.
Thị trường xe Việt quả thực đã ghi nhận những con số ấn tượng trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, các số liệu chính thức cho thấy đã có hơn 51.000 xe bán ra tại Việt Nam, trong đó riêng xe du lịch tăng trưởng 18%.
Có thể hiểu được tháng 4 là thời điểm người dùng tăng tốc mua xe, đặc biệt là xe lắp ráp trong nước để "chạy" ưu đãi 50% phí trước bạ, vốn hết hạn sau ngày 31/5. Xu hướng này có thể tiếp diễn trong tháng 5 này.
Màn "bứt tốc" bất ngờ của Honda City và CR-V
Trong 2 năm qua, dù đã có những tháng lọt vào bảng xếp hạng top 10 xe bán chạy nhất tại Việt Nam nhưng ít ai nghĩ rằng Honda City có thể vượt qua những cái tên "sừng sỏ" trong phân khúc như Toyota Vios hay Hyundai Accent chứ đừng nói đến việc đứng đầu bảng xếp hạng xe bán chạy nhất thị trường. Xe của Honda vốn thường được định giá cao hơn các đối thủ cùng phân khúc và hiếm khi so kè trong các bảng xếp hạng về doanh số.
Tuy nhiên, con số không biết nói dối. Với doanh số là 3.013 xe bán ra, Honda City chính là "ông vua doanh số" của thị trường ô tô Việt trong tháng 4, bỏ xa mẫu xe xếp thứ 2 là Toyota Vios (2.522 xe).
Ngoài City, một mẫu xe khác của Honda cũng "toả sáng" trong tháng 4 chính là CR-V với 2.093 xe, xếp top 4 doanh số. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, có đến 2 mẫu xe của Honda có mặt trong top 5 xe bán chạy nhất thị trường.
Honda City và CR-V đạt doanh số ấn tượng trong tháng 4.
Nguyên nhân do đâu?
Theo những người am hiểu thị trường, Honda City và CR-V được hưởng lợi khá nhiều từ bối cảnh đặc thù của thị trường trong giai đoạn này. Thứ nhất, 2 mẫu xe lắp ráp của Honda gần như là những model duy nhất trong phân khúc không gặp hiện tượng khan hàng, tăng giá hay mua bia kèm lạc. Thậm chí, khách mua Honda City trong tháng 4 vẫn được giảm giá đến 25-30 triệu, chưa kể gói phụ kiện tặng kèm có giá trị tương đương. Với Honda CR-V, mức giảm còn lên đến cả trăm triệu, chưa tính phụ kiện.
Trong bối cảnh khách hàng cần tìm mua sớm các mẫu xe lắp ráp để được hưởng chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ, thì các lựa chọn có sẵn, lại được giảm giá rõ ràng là ưu tiên hàng đầu, thay vì phải đặt xe nhưng không biết ngày nào nhận được, dẫn đến lỡ các kế hoạch cá nhân, hoặc phải trả tiền chênh, mua bia kèm lạc mới có thể nhận xe.
Những sự vắng mặt trong top 10
Có người lên sẽ phải có kẻ xuống. Tháng 4 chứng kiến sự "lên ngôi" của Honda còn Hyundai bất ngờ chứng kiến sự thất thế lớn trong top 10. Cụ thể, thương hiệu này chỉ có 1 mẫu xe nằm trong top 10 bán chạy nhất là Accent. Đây là điều hiếm khi xảy ra trong nhiều tháng qua. Những tháng trước, top 10 bán chạy gần như mặc định phải có 2-3 mẫu xe của Hyundai trong danh sách.
Sự "vắng mặt" của những mẫu xe như Santa Fe hay Grand i10 cho thấy Hyudai đã có một tháng kém thành công. Thời điểm này, Santa Fe và Tucson đang gặp tình trạng khan hàng nghiêm trọng, phần nào ảnh hưởng đến doanh số của hãng. Trong khi đó, Hyundai Grand i10 vẫn có doanh số tương đối ấn tượng, ở mức 1.227 xe nhưng trong một tháng mà nhiều mẫu xe khác đạt doanh số bùng nổ, con số này không đủ để đưa mẫu xe này vào top 10. Có một sự "an ủi" cho Hyndai là việc mẫu B-SUV Creta đạt doanh số 1.054 xe trong tháng thứ 2 về Việt Nam – cho thấy đây có thể là một model trong nhóm "đua top" tiếp theo của thương hiệu Hàn Quốc.
Hyundai Santa Fe và một số mẫu xe vắng mặt trong bảng xếp hạng top 10 tháng 4.
Bảng xếp hạng top 10 của tháng này cũng chứng kiến sự vắng mặt của một cái tên quen thuộc khác là Ford Ranger. Thực tế, doanh số của Ranger không tệ với 1.433 xe bán ra nhưng như đã nói, sự bùng nổ doanh số của nhiều mẫu xe khác khiến Ranger phải ngậm ngùi nằm ngoài top 10. Dù sao ở phân khúc bán tải, Ranger vẫn chiếm ưu thế vô cùng tuyệt đối khi mẫu xe xếp ngay sau nó là Mitsubishi Triton chỉ đạt doanh số 155 xe.
Top 10 xe bán chạy tháng 4 cũng chứng khiến sự thống trị mạnh mẽ của các mẫu xe Nhật Bản (7 xe), chỉ có 3 xe đến từ Hàn Quốc và một từ Việt Nam.
Những niềm hy vọng mới
Dù có đôi chút "xô lệch" trong bảng xếp hạng nhưng nhìn chung, đây có thể chỉ là hiện tượng nhất thời. Ngôi "vua doanh số" của thị trường khó thoát khỏi tay những cái tên quen thuộc như Toyota Vios, Toyota Corolla Cross, Hyundai Accent, VinFast Fadil hay Kia Seltos.
Mặc dù vậy, từ cuối 2021 đến đầu 2022, đã có hàng loạt mẫu xe mới ra mắt thị trường với nhiều kỳ vọng về một màn "lật đổ" ngoạn mục. Mặc dù chưa có cái tên mới nào lọt vào top 10 trong những tháng qua nhưng đây đang là giai đoạn nguồn cung không ổn định, phần nào khiến doanh số các mẫu xe chưa phản ánh chính xác hoàn toàn nhu cầu thị trường.
Toyota Veloz Cross được kỳ vọng sẽ gia nhập nhóm "đua top" doanh số.
Trong tháng vừa qua, một vài mẫu xe mới có doanh số tương đối tốt gồm Kia Sonet (945 xe), Hyundai Creta (1.054 xe) hay Toyota Veloz Cross (967 xe). Những mẫu xe này hoàn toàn có thể vươn lên để cạnh tranh cho những vị trí dẫn đầu thị trường trong những tháng tiếp theo. Đã khá lâu rồi kể từ màn "bứt lên" của Toyota Corolla Cross hay Kia Seltos, thị trường Việt chưa chứng kiến một cái tên mới có khả năng làm thay đổi cục diện thị trường.