THACO, VinFast lo lắng hết ưu đãi nhập khẩu linh kiện, giá xe sẽ tăng

Đại diện của THACO và VinFast bày tỏ sự lo ngại khi thời gian ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sắp kết thúc, có thể đẩy giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước tăng cao, từ đó kiến nghị các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô.

Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Thường trực của Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/9 vừa qua.

Tại sự kiện này, lãnh đạo các tập đoàn đã đồng loạt có những chia sẻ, quan điểm và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp nước nhà.

Đại diện cho VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nêu lên mối e ngại đối với ngành công nghiệp phụ trợ ô tô, đặc biệt trong bối cảnh những ưu đãi nhập khẩu linh kiện sắp hết thời gian hiệu lực. “Chúng tôi cam kết bao tiêu những sản phẩm linh kiện đó. Sản lượng của VinFast là 200.000 xe trong năm tới, vượt qua ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể có lãi. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể thúc dẩy nền công nghiệp hỗ trợ và phát triển”, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, đồng thời đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô.

THACO, VinFast lo lắng hết ưu đãi nhập khẩu linh kiện, giá xe sẽ tăng- Ảnh 1.

Chủ tịch VinFast Phạm Nhật Vượng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN nhỏ tham gia công nghiệp hỗ trợ, cam kết bao tiêu một phần linh kiện.

Ông chủ VinFast cho biết, nếu đẩy mạnh được khâu này thì chúng ta sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh.

Cũng đại diện cho một tập đoàn chuyên sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch THACO Trường Hải cho hay: “Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng".
Tỷ phú Trần Bá Dương tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét và quan tâm đối với công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Theo đó, ngành ô tô đang có nhiều thay đổi về công nghệ, đặc biệt ô tô sử dụng năng lượng mới hướng đến xanh, sạch, phù hợp với COP26. THACO hiện đang xây dựng trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng xe quốc tế tại Việt Nam và bán ra các khu vực, đặc biệt ASEAN. Tập đoàn này đang ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm giá thành ô tô, bao gồm khung thân vỏ, nội ngoại thất, đặc biệt là các thiết bị điện tử và nền tảng số về thông minh, an toàn.

"Xe với giá dưới 700 triệu đồng, tỷ trọng bán là chủ yếu. Như vậy nếu tính về giá trị thị trường, giảm đến 50%. Đối diện với mức giảm như thế, kế hoạch chiến lược đầu tư về công nghiệp hỗ trợ và năng lượng mới sẽ gặp những khó khăn nhất định" - ông Dương chia sẻ thêm là hiện đang đầu tư 7 nhà máy và năm tới sẽ thêm 3 nhà máy, nâng tỉ lệ nội địa hóa xe du lịch lên 45%.

Với xu hướng xe xanh là tất yếu, ông cho rằng cần có lộ trình và thời gian đầu tư cho hạ tầng, gia tăng an toàn, chất lượng, sự tiện dụng trong sử dụng.

Đối với công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư đòi hỏi sản lượng và công nghệ. Với lợi thế triển khai sản xuất cơ khí từ sớm, xuất khẩu gần 140 triệu USD trong năm nay, song ông Dương chia sẻ thời gian qua "rất vất vả" để phòng vệ thương mại, kiểm soát kỹ các hàm lượng, đặc biệt nguyên vật liệu và linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc.

Với dự định tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ trong năm tới, ông Trần Bá Dương tiết lộ đang triển khai khu công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam. Việc này nhằm tận dụng lợi thế các FDI đầu tư, lắp ráp các dây chuyền mới, để sản xuất, cung ứng từ 35-40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng.

THACO, VinFast lo lắng hết ưu đãi nhập khẩu linh kiện, giá xe sẽ tăng- Ảnh 2.

Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) - ông Trần Bá Dương phát biểu.

Năm nay THACO đã bán linh kiện phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất ô tô trong nước như: Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu, mang về doanh thu là 13 triệu USD, dự kiến gia tăng doanh thu trong năm tiếp theo.

Ba mươi năm sau khi loạt liên doanh ô tô đầu tiên ra đời năm 1994, sản lượng lắp ráp ô tô Việt Nam tăng 23 lần, từ 23.000 xe/năm (1994) đã lên khoảng 460.000 xe (2024), lượng tiêu thụ tăng nhưng số lượng nhà cung cấp phụ trợ không tăng tương xứng. Theo các chuyên gia, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hình thành muộn hơn, nên quá trình này đòi hỏi những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp đủ mạnh mới theo kịp các nước trong khu vực.

Về mặt chính sách hiện hành, mức thuế nhập khẩu cho linh kiện phụ tùng lắp ráp ô tô đang được hưởng ưu đãi (Nghị định 101/2021) giai đoạn 2022 - 2027. Ưu đãi đi kèm ràng buộc hãng xe bằng cam kết sản lượng.