Sẽ có rất nhiều lý do để các lái xe viện dẫn về tình trạng sử dụng rượu bia rồi nhưng vẫn lái xe. Nào là phong tục tập quán, ngày xuân khó tránh chén rượu. Nào là tửu lượng tốt uống dăm ba chén rượu vẫn tỉnh táo. Nào là lâu ngày không tụ họp người thân anh em bạn bè…Điều đó đúng nhưng không thể thuyết phục được số đông người dân, nhất là những ai luôn mong muốn có được sự an toàn khi tham gia giao thông.
Hiện nay để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, kể cả về người và tài sản, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định xử phạt rất nghiêm với những lái xe vị phạm nồng độ cồn. Với lái xe máy mức xử phạt này dao động từ 2-8 triệu đồng, tuy theo mức độ vi phạm nồng độ cồn. Đi kèm với đó có hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-24 tháng.
Còn đối với lái xe ôtô, mức xử phạt tiền với các lái xe vi phạm nồng độ cồn dao động từ 6-40 triệu đồng. Đây là mức phạt khá nghiêm minh. Đi kèm với đó là hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-24 tháng.
Mặc dù như vậy, nhưng trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, số lái xe vi phạm nồng độ cồn tăng 277% so với cùng kì nghỉ Tết năm ngoái, với các trường hợp vi phạm tăng lên đến 29.000 người. Con số này có thể vẫn chưa hết được, nhưng cũng đủ làm cho mọi người giật mình. Nhiều người đặt câu câu hỏi rằng, phạt nghiêm thế mà người ta vẫn không thấy sợ sao? Thực sự thì khó trả lời, vì họ sợ nhưng vẫn cố uống và khó từ chối uống. Hơn nữa phạt tiền như vậy so với nhiều nước trên thế giới thì vẫn còn là nhẹ.
Ở Thái Lan, người say rượu mà lái xe bị phạt tiền và thậm chí còn bị phạt tù tối đa 1 năm với trường hợp vi phạm lần đầu. Tái phạm có thể lĩnh án tù lên đến 2 năm và/ hoặc phạt tiền lớn. Ngoài ra người đó còn có nguy cơ bị tước bằng lái vĩnh viễn. Tại Singapore, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe còn có thể bị phạt tù 1 năm và hơn 200 triệu đồng cho lần vi phạm đầu tiên. Lần thứ hai thì số tiền xấp xỉ cả nửa tỉ đồng và lĩnh án tù 2 năm.