Khi sử dụng phanh đĩa ở bánh trước nhiều người gặp phải tình trạng xe bị lật, đổ, hoặc thậm chí lộn ngược xe trong trường hợp phanh gấp. Vậy tại sao các nhà sản xuất lại thường ưu tiên trang bị phanh đĩa cho bánh trước xe máy (thậm chí là ô tô), trong khi lại chỉ trang bị phanh tang trống cho bánh sau?
Phanh đĩa với kết cấu phức tạp có được lực phanh mạnh hơn giúp bánh xe ngay lập tức ngừng quay (theo lý thuyết), nên khoảng dừng khi sử dụng phanh đĩa ngắn hơn khá nhiều so với phanh tang trống, đảm bảo an toàn hơn.
Khi phanh xe (dừng xe một cách bất ngờ), do tác động của lực quán tính, trọng lực được dồn lên bánh trước, mà theo tinh toán thì khoảng 70% trọng lượng của xe sẽ dồn về bánh trước khi phanh, do đó, để dừng xe hiệu quả thì phanh dùng cho bánh trước cần có hiệu quả phanh tốt hơn. Đây chính là lý do mà phanh đĩa - với giá thành đắt đỏ hơn được ưu tiên lắp cho bánh trước.
Ngoài ra, về yếu tố thẩm mỹ, bánh trước nhận được sự chú ý của người sử dụng hơn, do đó khi được trang bị phanh đĩa ở bánh trước, người dùng cũng đánh giá cao về sự an toàn của xe hơn và làm tăng tỷ lệ chọn mua xe.
Tuy an toàn, nhưng phanh đĩa cũng dễ gặp phải tình trạng bó cứng nếu phanh gấp, điều này gây ra tình trạng quay xe, lộn xe hoặc rê bánh trên đường gây tổn hại cho người điều khiển. Đây chính là lý do mà các dòng xe có phân khối lớn được các nhà sản xuất trang bị thêm hệ thống chống bó cứng phanh ABS để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.
Hình ảnh biểu thị khoảng dừng khi chỉ bóp phanh đĩa trước, khi chỉ bóp phanh tang trống sau và khi kết hợp phanh trước và sau.
Đối với những xe máy không được trang bị phanh ABS, người dùng trong quá trình phanh gấp không nên chỉ bóp phanh trước mà đồng thời sử dụng cả phanh trước và phanh sau để tăng hiệu quả phanh cũng như đảm bảo an toàn.
Nguồn: http://danviet.vn/xe360/tai-sao-phanh-dia-duoc-uu-tien-lap-cho-banh-truoc-1077039.htmlNguồn: http://danviet.vn/xe360/tai-sao-phanh-dia-duoc-uu-tien-lap-cho-banh-truoc-1077039.html