Trong bối cảnh giá xăng, giá xe mô tô đều tăng theo giá xăng, không ít người đã chuyển hướng sử dụng xe đạp với tiêu chí tiết kiệm, nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Ghi nhận của phóng viên, các cửa hàng kinh doanh xe đạp nằm dọc trên một số tuyến phố lớn như Nguyễn Trãi (Hà Đông), Tây Sơn (Đống Đa), Phạm Hùng (Bắc Từ Liêm)...đều khá đông người mua sắm.
Anh Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng hai con của mình đến cửa hàng xe đạp gần nhà để chọn xe.
Anh Hùng mong muốn xe đạp sẽ trở thành "người bạn" đồng hành cùng hai con vào dịp hè sắp tới. Ảnh: Hồ Thành.
Anh Hùng cho biết: "Vì muốn con có nhiều thời gian hoạt động thể chất hơn trong dịp hè nên tôi tìm mua xe đạp cho cháu. Với điều kiện tài chính của hai vợ chồng cũng hạn hẹp nên tôi đang cân nhắc các mẫu xe có giá dưới 5 triệu đồng. Sau một lúc tham khảo, gia đình quyết định mua 2 chiếc xe đạp với tổng số tiền 7,2 triệu đồng".
Để tiết kiệm chi phí đi lại trong thời điểm giá xăng liên tục dựng thẳng đứng như hiện nay, anh Phan Thế Khải (quận Ba Đình, Hà Nội) đã lựa chọn cho mình một mẫu xe đạp thể thao thuận tiện cho việc đi lại.
Trước tình hình giá xăng "leo thang" anh Khải đã lựa chọn cho mình chiếc xe thể thao hiện đại. Ảnh: Hồ Thành.
Anh Khải hứng khởi: "Mỗi ngày đạp xe hơn 4km để đi làm, tôi không chỉ tiết kiệm phần nào chi phí xăng xe mà còn rèn luyện sức khoẻ sau giai đoạn hậu COVID-19".
Theo khảo sát của phóng viên hiện các dòng xe đạp phổ thông với mức giá dưới 10 triệu đồng đang thu hút nhiều người mua vì chất lượng tương đối tốt.
Đặc biệt, những dòng xe tầm trung, giá dao động từ 3,5 triệu đến hơn 6 triệu đồng/chiếc thu hút khách hơn cả.
Trước mỗi lần thuê xe, chủ cửa hàng chỉnh sửa lại cẩn thận về phanh xe, bàn đạp, dây xích và tặng kèm một chai nước.
Anh Nguyễn Thế Mạnh - chủ cửa hàng kinh doanh xe đạp trên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) đang tất bật tư vấn các dòng xe cho khách.
Anh Mạnh chia sẻ: "Mỗi ngày cửa hàng xe đạp cung ứng trung bình khoảng 10-15 chiếc. Ngoài khách hàng đến mua trực tiếp tại kho, cửa hàng, chúng tôi còn mở thêm kênh bán online trên sàn thương mại điện tử nhằm phục vụ nhu cầu của khách trong nước".
Lý giải nhu cầu mua xe đạp tăng mạnh vào thời điểm hiện nay, các chủ cửa hàng cho rằng, đây là phương tiện "xanh, sạch" và do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn nên nhiều người giảm việc di chuyển bằng ô tô, xe máy thay vào đó là xe đạp để nhằm tiết kiệm chi phí xăng dầu; đồng thời, đạp xe cũng giúp rèn luyện sức khỏe sau thời gian dài chống chọi với COVID-19.
Việc đạp xe quanh Hồ Tây không chỉ là hoạt động thể thao có lợi cho sức khoẻ mà còn là những trải nghiệm thú vị.
Nắm bắt được xu hướng đạp xe tại không gian xung quanh các hồ lớn như Hồ Tây, Hồ Gươm,... nhiều cửa hàng đã mở thêm dịch vụ cho thuê xe đạp.
Đang lắp ráp lại xe đạp cho khách thuê, anh Thế Nam (30 tuổi, quận Tây Hồ) chia sẻ: "Khoảng 1 -2 năm trở lại đây, xu hướng đạp xe khá phổ biến với lượng khách dồi dào. Cửa hàng của tôi có 50 chiếc xe cho thuê.
Trung bình mỗi ngày khoảng 40 - 60 lượt/ngày. Dịp cao điểm, cửa hàng "cháy" xe, nhiều người thường phải đăng ký trước đợi đến lượt. Giá thuê xe ngày thường từ 40.000 - 50.000 đồng/xe/3h, cuối tuần và ngày lễ giá có nhỉnh hơn tí. Còn thuê nguyên ngày chỉ khoảng 120.000 đồng/24h".
Từ khi biết ở Hồ Tây có dịch vụ cho thuê xe đạp, chị Hồng Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường rủ hội bạn đạp xe vào mỗi buổi chiều. Chị hào hứng: "Cứ buổi chiều cuối tuần, nhóm chúng tôi thường thuê xe đạp dạo một vòng Hồ Tây. Tôi thấy trải nghiệm này vô cùng thú vị và dự định rủ thêm các bạn khác cùng tham gia".