Hầu hết hệ thống pin và sạc trên ô tô điện hiện nay được thiết kế kín nước và tích hợp công nghệ tiên tiến để ngăn ngừa nguy cơ phóng điện hay đoản mạch nhằm giúp bảo vệ tối đa cho người sử dụng.
Thực tế, mỗi bước trong quy trình sạc đều được tính toán kỹ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Quy trình sạc xe đều được các kỹ sư tính toán kỹ càng để đảm bảo an toàn, các linh kiện điện tử cũng phải được kiểm tra nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn như: chuẩn Ingress Protection (IP) chỉ mức độ chống bụi/nước được đặt ra bởi Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (International Electrotechnical Commission - IEC).
Theo quy chuẩn IEC 60529, số càng cao thì khả năng chống chịu sự tác động của bụi/nước càng lớn. Chẳng hạn, độ chống bụi được biểu thị qua con số đầu tiên 1-6, độ chống nước là con số tiếp theo từ 1-8.
Các trạm sạc công cộng tại Việt Nam đều được thiết kế để chống nước, với chỉ số chống nước từ IP54 đến IP65 tuỳ vào từng bộ phận. Đối với các sản phẩm cao cấp hơn, chỉ số IP có thể lên tới IP68, cho phép thiết bị chống chịu hoàn toàn với bụi và thậm chí ngâm trong nước mà không bị hư hỏng.
Các hệ thống này được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn khi sử dụng, ngay cả trong điều kiện thời tiết mưa bão.
Trong trường hợp chấu sạc hoặc điểm kết nối bị ướt, việc sạc có thể bị ngừng. Lúc này, tài xế chỉ cần làm khô đầu sạc và thử kết nối lại.
Nếu hệ thống phát hiện độ ẩm hoặc nước rò vào, cơ chế an toàn sẽ ngay lập tức ngắt điện để bảo vệ xe và người sử dụng.
Mặc dù trạm sạc công cộng được đánh giá là an toàn nhưng người dùng vẫn nên hạn chế sạc xe dưới trời mưa hay ngập lụt bởi khi điện và nước kết hợp vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Đặc biệt, nếu người dùng sử dụng sạc thường tại nhà vẫn có thể gặp nguy hiểm nếu vật dụng cắm điện bị ướt.
Bên cạnh đó, việc lái xe qua các khu vực ngập lụt cũng không được khuyến khích, dù là xe điện hay xe xăng, vì điều này có thể gây ra nhiều rủi ro không lường trước.
TH (Tuoitrethudo)
Ảnh minh họa