GPLX có 15 hạng
Theo quy định hiện hành, GPLX có 13 phân hạng, gồm A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC. Với GPLX mô tô, hạng A1 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3, hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích từ 175 cm3 trở lên, và các loại xe quy định cho hạng A1.
Với GPLX ô tô, hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi và ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg và các loại xe quy định cho hạng B1.
Kể từ 1/1/2025, khi luật TTATGTĐB có hiệu lực, GPLX sẽ có tổng cộng 15 hạng, tăng 2 hạng so với hiện nay, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh với cả xe điện. Các hạng GPLX mới gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E.
Trong đó, với GPLX mô tô, hạng A1 sẽ cấp cho người lái mô tô 2 bánh có dung tích đến 125 cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11 kW. Hạng A cấp cho người lái mô tô 2 bánh có dung tích trên 125 cm3 hoặc công suất động cơ trên 11 kW, và các loại xe quy định cho hạng A1. Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh và các loại xe quy định cho hạng A1.
Với GPLX ô tô, hạng B1 và B2 sẽ được gộp chung thành hạng B, cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg.
Hạng C hiện nay cấp cho người điều khiển xe tải có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên, tới đây sẽ được tách thành C1 (dành cho người điều khiển xe tải có trọng tải từ 3.500 - 7.500 kg) và C (trọng tải trên 7.500 kg).
Tương tự, hạng D hiện nay cấp cho người điều khiển ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ (kể cả lái xe), tới đây sẽ được tách thành D1 (từ 8 - 16 chỗ, không kể lái xe), D2 (từ trên 16 - 29 chỗ, không kể lái xe) và D (trên 29 chỗ, không kể lái xe).
Đáng chú ý là hệ thống GPLX theo quy định mới không phân biệt GPLX hạng B dành cho người hành nghề lái xe, cũng như không phân biệt xe sử dụng hộp số sàn hay số tự động.
Độ tuổi thi giấy phép lái xe được quy định thế nào?
Bên cạnh đó, Luật Trật tự ATGT đường bộ mới cũng quy định về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, theo Điều 59, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy (dung tích dưới 50cm3; động cơ điện không lớn hơn 4kW).
Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A1, A, B1, B, C1, và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng C, BE. Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D1, D2, C1E, CE. Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D, D1E, D2E, DE.
Về hiệu lực áp dụng, theo Điều 89 Luật Trật tự ATGT đường bộ 2024, GPLX được cấp trước ngày 1/1/2025 vẫn sẽ được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe (GPLX) và theo hạng xe tương ứng.
Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể làm thủ tục đổi, cấp lại GPLX theo chuẩn mới. Trên GPLX mới sẽ ghi rõ chủng loại phương tiện điều khiển phù hợp với GPLX cũ, chứ không "tự động" được điều khiển các phương tiện khác có cùng loại GPLX theo quy định mới.
Người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong các trường hợp: Giấy phép lái xe bị mất; Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được; Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe; Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe; Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng; Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.