
Tiến độ dự án nhà máy ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh
Tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng cho Khu vực 8, ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thông báo nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast dự kiến sẽ tung ra thị trường những chiếc xe đầu tiên vào đầu tháng 9/2025.
VinFast đã bắt đầu xây dựng nhà máy này tại Khu Kinh tế Vũng Áng vào cuối năm 2024, với kế hoạch hoàn thiện vào tháng 7/2025. Nhà máy này có công suất ban đầu 300.000 xe mỗi năm, nhưng có khả năng mở rộng lên tới 600.000 xe, và sẽ tạo ra khoảng 15.000 việc làm.

Theo dự kiến, đầu tháng 9/2025 thị trường sẽ đón những chiếc xe ô tô điện đầu tiên được sản xuất tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ảnh minh họa
Được xây dựng trên diện tích hơn 36 ha và do CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, nhà máy VinFast tại Hà Tĩnh dự kiến sản xuất hai dòng xe VF 3 và VF 5, với các bộ phận quan trọng như khung xe và động cơ nhập từ Hải Phòng, còn pin xe sẽ do nhà máy pin tại Vũng Áng cung cấp. Sản phẩm từ nhà máy này không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế.
Ngoài ra, VinFast còn cam kết phát triển các nhà máy công nghiệp phụ trợ tại khu vực để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi để thu hút các đối tác chuỗi cung ứng. Đây sẽ là nhà máy ô tô điện tiếp theo VinFast cùng với các thị trường mới như Ấn Độ, Indonesia.
Hà Tĩnh là quê hương của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tại đây, bên cạnh dự án nhà máy, doanh nghiệp của vị tỷ phú cũng đã được chấp thuận cho Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng. Dự án được triển khai ở khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5 khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 13.276,491 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.991,473 tỷ đồng.
Quê hương tỷ phú Phạm Nhật Vượng là thỏi nam châm hút các dự án lớn
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp. Trong đó, KKT Vũng Áng rộng hơn 22.700 ha, là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm của quốc gia.
Trong năm 2024, ngành công nghiệp Hà Tĩnh đón nhận tín hiệu tích cực khi thu hút các dự án lớn đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt là các dự án có tính chất đột phá tăng trưởng như: dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng tổng vốn đầu tư hơn 13.276 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng tổng vốn hơn 2.265 tỷ đồng.

Hà Tĩnh xác định thế mạnh thu hút đầu tư.
Theo ông Đặng Văn Thành - Giám đốc Sở Công thương, năm 2024, có 8 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 16.420 tỷ đồng, trong đó có những dự án quy mô vốn lớn.
Lũy kế từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 210 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 158 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 30.247 tỷ đồng và 52 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 15,964 tỷ USD.
Trong đó, 121 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai xây dựng, 54 dự án đang làm các thủ tục theo quy định, 11 dự án đã dừng triển khai và 1 dự án đã chấm dứt thực hiện. Ngoài ra, hiện nay có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án về điện mặt trời, điện sinh khối, nhà máy thép không gỉ…
Theo con số thống kê, năm 2004, quy mô nền kinh tế (GRDP) của Hà Tĩnh chỉ đạt 5.836 tỷ đồng nhưng năm 2022, GRDP của tỉnh đạt gần 93.000 tỷ đồng, tăng gần 16 lần . Tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao qua các thời kỳ, giai đoạn 2005-2020 đạt mức hai con số (10,01%); GRDP bình quân đầu người đạt 70,47 triệu đồng/năm.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước.
Mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9%/năm; đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng ; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD; mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14-15%/năm...
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.