Ô tô nhập khẩu vào Mỹ phải đáp ứng những yêu cầu đặc biệt nào?
Sáng ngày 25/11/2022, tại Cảng MCP Port - Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng, đã diễn ra lễ xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên của VinFast sang thị trường Mỹ.
Lô xe VinFast VF 8 đầu tiên xuất cảng có số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Mỹ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port, Hải Phòng, lô xe sẽ cập cảng California, Mỹ và sẽ được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022.
Sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất - chính thức tiến ra thế giới trong sự đón đợi của người tiêu dùng toàn cầu.
Đối với thị trường Mỹ, rào cản lớn nhất trong nhập khẩu là quy định của chính phủ nước này. Mỹ là quốc gia không ký vào Hiệp định thống nhất các quy định kỹ thuật cho phương tiện có bánh xe của Liên Hợp Quốc, mà trong đó có sự tham gia của nhiều nước có nền công nghiệp ô tô phát triển như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Bởi thế, Mỹ có một số quy chuẩn riêng, áp dụng cho xe sản xuất tại Mỹ cũng như xe nhập khẩu, đặc biệt là các quy định của Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA)
Để có thể nhập khẩu xe vào thị trường Mỹ, không chỉ VinFast mà các hãng xe trên toàn cầu đều phải đáp ứng được những quy định và yêu cầu khắt khe như sau.
Xe nhập vào Mỹ phải được NHTSA thử nghiệm an toàn
Thử nghiệm an toàn được đánh giá bằng cách sử dụng hệ thống xếp hạng từ 1 - 5 sao; mức cao nhất 5 sao tức là tốt, 4 sao là trên trung bình, 3 sao là trung bình, 2 sao là dưới mức trung bình, và 1 sao là tính năng kém.
Năm 1970, Đạo luật An toàn đường cao tốc đã thành lập NHTSA và vạch ra sứ mệnh của cơ quan này là giảm tử vong, thương tích và thiệt hại kinh tế do tai nạn xe cơ giới.
Năm 1978, NHTSA dắt đầu thử nghiệm và đánh giá phương tiện để bảo vệ tác động trực diện, bằng cách sử dụng dữ liệu từ cảm biến gắn trên người hình nộm trong thử nghiệm va chạm.
Năm 1993, NHTSA bắt đầu sử dụng hệ thống "Xếp hạng an toàn 5 sao" để giúp người tiêu dùng lựa chọn an toàn sáng suốt khi mua xe mới.
Năm 1996, xe hơi bán tại Mỹ bắt đầu phải thử nghiệm và được đánh giá an toàn với va chạm bên hông, cũng theo thang bậc 5 sao.
Năm 2000, quy định bắt buộc thử nghiệm phương tiện về khả năng chống chịu va chạm do lật xe, loại va chạm này nguy hiểm hơn các loại va chạm khác.
Năm 2006, NHTSA yêu cầu dán nhãn trên cửa sổ bên lái các xe mới, cảnh báo những nguy hiểm cho người lái, nhãn này bao gồm cả thông tin Xếp hạng an toàn 5 sao.
Năm 2013, cơ quan NHTSA dã thêm hệ thống camera lùi vào danh sách các công nghệ khuyến khích trang bị để giúp ngăn ngừa sự cố lùi xe. Tính năng này trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trên tất cả các loại xe từ năm 2018.
Năm 2016, Mỹ đã thêm hệ thống phanh khẩn cấp tự động vào danh sách các công nghệ khuyến khích trang bị. Trang bị này trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trên tất cả các loại xe vào năm 2022.
Hiện nay hệ thống thử nghiệm an toàn xe hơi của NHTSA của Mỹ và EURO NCAP của EU là khắt khe nhất, do đó đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên theo chuẩn NHTSA, tức cơ bản được thị trường nước này chấp nhận.
Đáp ứng tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình CAFE (Corporate Average Fuel Economy)
Tại Mỹ, tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình hiện nay đối với ô tô con là 8,55 lít/100 km. Mục tiêu của chính phủ là áp chuẩn 4,3 lít/100 km vào 2025. Quy định ngày càng khắt khe nhằm cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi, đồng thời giảm khí thải - yếu tố chính gây ra hiệu ứng nhà kính.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, các hình phạt cao hơn được đặt ra bắt đầu từ năm 2019, nhưng chính quyền Trump đã ấn định ngày có hiệu lực là năm 2022 sau quyết định của tòa án.
Tiêu chuẩn này giúp tạo cơ hội cho các nhà sản xuất xe năng lượng sạch phát triển. Về cơ bản, yêu cầu này không làm khó những mẫu xe của VinFast vì đây đều là ô tô điện, không tiêu thụ xăng/dầu.
Được công nhận là phương tiện không phát thải bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA)
Để một chiếc xe điện được công nhận là ZEV (Phương tiện không phát thải), xe phải đáp ứng được các tiêu chuẩn thông qua một loạt các thử nghiệm nghiêm ngặt.
Trong đó, tất cả các phương tiện nhập khẩu vào Mỹ phải đáp ứng được tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính (GHG). Cụ thể, lượng CO2 gam trên mỗi dặm không được vượt quá một lượng nhất định. Việc đáp ứng được tiêu chuẩn GHG không khó đối với các dòng xe điện bởi chúng không thải ra bất kì khí thải nào.
Bên cạnh đó, theo EPA, lượng khí thải cũng sẽ thay đổi dựa trên các giả định về các loại xe cụ thể được so sánh, kích thước và thành phần hóa học của pin EV, tuổi thọ của xe và mạng lưới điện được sử dụng để sạc lại EV, cùng các yếu tố khác.
Đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất xe của Mỹ
Đối với xe nhập khẩu vào Mỹ, theo quy định của NHTSA phải có một số đặc trưng nhận dạng, được hiểu là trang bị bắt buộc.
Thứ nhất là dải đèn màu vàng phía bên là một trong những ví dụ điển hình nhất. Tùy theo nhà sản xuất và thẩm mỹ mà chúng được đặt vào đèn pha hoặc cạnh bên hốc bánh trước. Tác dụng của dải đèn này giúp chiếc xe dễ nhận diện khi nhìn từ hai bên. Hơn nữa giúp tài xế khác phân biệt từ xa, đâu là phía trước, đâu là phía sau xe, ngay cả lúc xe không chạy.
Đồng hồ công-tơ-mét trên xe bán tại Mỹ luôn hiển thị theo hệ MPH (miles per hour, tức dặm/giờ). Tuy nhiên, sự phổ biến của hệ đo lường km/h khiến một số mẫu xe sản xuất tại Mỹ phải thay đổi. Hiện này, xe bán vào Mỹ có đồng hồ hiển thị cả 2 hệ đo lường mph và km/h.
Tiếp đến, quy định của Mỹ không cho phép vừa lái xe vừa xem video và đọc tin nhắn trên màn hình giải trí, cho nên tính năng xem video không được cài đặt vào phần mềm hệ điều hành giải trí, ngoài ra hệ điều hành phải có tính năng đọc tin nhắn thành lời, giúp lái xe nhận được thông điệp bằng lời nói.
Đặc biệt, NHTSA thực thi quy định riêng về ghế ngồi trên ô tô, theo đó nhà sản xuất tự thử nghiệm để được một tổ chức độc lập cấp chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của liên bang Hoa Kỳ, bao gồm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hiệu suất va chạm.
Ngoài ra, theo quy định của hải quan Hoa Kỳ, ô tô, mô tô, xe đạp, máy bay, bóng thám không, tàu thuỷ và các phương tiện khác được đưa vào Mỹ để tham gia các cuộc đua, sau khi hết thời gian tạm nhập, nếu các phương tiện này không được tái xuất thì sẽ bị tịch thu.
Đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phương tiện cơ giới liên bang (FMVSS)
Đạo luật An toàn Xe cơ giới và Giao thông Quốc gia năm 1996 được NHTSA đưa ra nhằm thiết lập tiêu chuẩn quốc gia cho đường bộ và phương tiện tại Mỹ.
Bộ tiêu chuẩn FMVSS này yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải thông báo mọi khía cạnh của chiếc xe mà họ sản xuất ra, cũng như thiết lập nên các quy tắc chính xác và khắt khe buộc họ phải tuân thủ, từ vị trí cần gạt nước trên kính chắn gió cho đến tốc độ động cơ. Cho đến nay, luật liên bang buộc mọi ô tô phải có ghế lái, bánh lái, cần lái và bàn đạp
Mặc dù đã trải qua nhiều lần sửa đổi nhưng đạo luật này vẫn duy trì 3 tiêu chuẩn an toàn chính, bao gồm:
-Tránh va chạm
-Khả năng va chạm (nghĩa là phương tiện bảo vệ người ngồi trong xe khỏi bị thương hiệu quả như thế nào)
-Khả năng sống sót sau tai nạn
(Tổng hợp)