Ô tô "độ" đèn, giá nóc vẫn được đăng kiểm?

Dù ô tô "độ" một số chi tiết đơn giản được đề xuất thông qua đăng kiểm mà không cần lập thủ tục cải tạo song cần kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn của những chi tiết này

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Phải đáp ứng yêu cầu kiểm định

Theo đề xuất của Bộ GTVT, ô tô lắp đặt thêm một số phụ kiện mà không thay đổi kết cấu, công năng và hệ thống vận hành thì được miễn làm thủ tục cải tạo khi đăng kiểm.

Cụ thể, thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận theo quy định mà không cần gia công, lắp thêm đèn sương mù dạng rời, lắp thêm giá nóc cho ô tô con mà không làm thay đổi chiều rộng xe thì không cần lập hồ sơ thiết kế cho xe cơ giới cải tạo. Bên cạnh đó, chủ xe cũng có thể "độ" các chi tiết, bộ phận của phần thân vỏ như mặt ca-lăng, cánh lướt gió, bậc bước chân nhưng không làm thay đổi kích thước tổng thể của xe cũng được coi là hợp lệ khi đăng kiểm.

Ô tô độ đèn, giá nóc vẫn được đăng kiểm? - Ảnh 1.

Đề xuất mới của Bộ Giao thông Vận tải đã nới lỏng quy định về điều kiện cho thông qua đăng kiểm đối với ô tô lắp đặt thêm một số chi tiết đơn giản

Quy định hiện hành không cho phép chủ xe tự ý thay đổi kết cấu xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được phê duyệt. Riêng với đèn chiếu sáng - một trong những bộ phận được "độ" nhiều nhất, chủ xe được phép thay đổi nhưng phải sử dụng loại đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy và phải làm các thủ tục liên quan.

Nếu đề xuất mới của Bộ GTVT được luật hóa, chủ xe có thể "độ" đèn chiếu sáng mà không cần làm thủ tục thông báo việc cải tạo, thay đổi. Tuy nhiên, đèn xe thay mới vẫn phải đáp ứng yêu cầu về vị trí lắp đặt, độ lệch, cường độ sáng... khi kiểm định. Ngoài ra, đề xuất cho phép "độ" các chi tiết như đèn sương mù, giá nóc, lốp, mặt ca-lăng... nếu được thông qua cũng sẽ là căn cứ pháp lý để chủ xe xác định rõ những chi tiết có thể "độ", hạn chế tranh cãi giữa chủ xe và đơn vị đăng kiểm như đã xảy ra trong thời gian qua.

Nhiều quy định không còn phù hợp

Anh Nguyễn Minh Cường - chủ garage ô tô tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - cho rằng việc lắp thêm các tấm ốp, miếng nhựa trên mặt ca-lăng, giá nóc, cánh lướt gió hoàn toàn chỉ mang giá trị thẩm mỹ. Trong khi đó, lắp bậc bước chân đối với xe gầm cao vừa không làm thay đổi kích thước của xe vừa giúp người có vóc dáng nhỏ dễ dàng bước lên xe hơn. 

Còn việc lắp thêm đèn sương mù dạng rời sẽ thích hợp với những dòng xe tải thế hệ cũ không có sẵn đèn này, giúp xe di chuyển an toàn hơn trong điều kiện thời tiết bất lợi. Do đó, quy định bắt buộc lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo khi thực hiện những thay đổi nhỏ này là chưa phù hợp.

Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường - Bộ GTVT, Thông tư 85/2014 sau gần 10 năm thực hiện đã xuất hiện một số điểm lỗi thời, bất cập khi nhu cầu cải tạo phương tiện và yêu cầu về quản lý nhà nước đối với phương tiện cải tạo đã có nhiều thay đổi. Do đó, khi xây dựng dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 85/2014, ban soạn thảo đã đề xuất bổ sung một số trường hợp được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo.

Trong đó, ngoài cho phép đăng kiểm đối với ô tô thay đổi chi tiết bên ngoài, một số thay đổi liên quan nội thất, tiện nghi trong xe cũng có thể được xem xét chấp nhận khi đăng kiểm. Riêng với xe đầu kéo, những thay đổi như lắp thêm mui gió trên nóc cabin; lắp đặt bơm, thùng dầu và hệ thống đường ống thủy lực để dẫn động cho hệ thống nâng, hạ thùng hàng; thay đổi chiều cao, lớp bọc ngoài thùng của xe mui phủ cũng sẽ được miễn lập hồ sơ thiết kế.

Bộ GTVT đánh giá đây là những cải tạo đơn giản, không làm thay đổi thiết kế tổng thể, công năng và kích thước xe. Việc miễn lập hồ sơ thiết kế giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nếu không có quy định pháp luật điều chỉnh, việc trung tâm đăng kiểm "cho qua" đối với những xe lắp thêm phụ kiện nêu trên có thể khiến cả đôi bên bị pháp luật xử lý.

Nhiều người sử dụng ô tô, nhất là những người thích trang trí "xế cưng", đồng tình với đề xuất mới của Bộ GTVT. Anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho rằng cơ quan quản lý không nên cấm việc làm đẹp cho ô tô mà không ảnh hưởng đến an toàn của xe. 

Đồng tình song anh Trần Văn Hưng (ngụ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho rằng cần kiểm soát chặt chất lượng, tiêu chuẩn, độ sáng của đèn được "độ" vì nhiều trường hợp chủ xe lắp đặt đèn có chùm tia sáng quá mạnh hoặc ánh sáng không phù hợp, gây khó chịu và mất an toàn cho người điều khiển phương tiện ngược chiều.