Vụ tai nạn siêu xe Ferrari 488 tông gốc cây sáng ngày 21/7/2022 (tại phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) do thợ sửa xe của đại lý Volvo Hà Nội cầm lái, gây tranh luận trong suốt tuần qua.
Vụ việc nóng lên bởi chiếc xe trị giá xấp xỉ 17 tỷ đồng, thiệt hại ước tính từ 4 - 6 tỷ đồng nhưng sau vụ tai nạn kể trên vẫn chưa xác định được trách nhiệm của các bên.
Chiếc xe Ferrari 488 được kéo về khuôn viên Volvo Hà Nội sau khi gặp nạn sáng 21/7/2022
Sau 2 ngày xảy ra vụ việc, phía Volvo Hà Nội (Công ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội) cho hay đã ra quyết định tạm đình chỉ làm việc 1 tháng đối với 1 kỹ sư và 1 kỹ thuật viên để giải quyết sự việc.
Theo phía Volvo Hà Nội, xưởng dịch vụ không có bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng xe Ferrari. Đồng thời, hãng cũng không làm dịch vụ với xe ngoài thương hiệu Volvo.
Đầu năm 2022, phía Volvo hỗ trợ Ferrari bằng cách cho mượn địa điểm (cầu nâng) để Ferrari làm chương trình dịch vụ, còn các công việc đều do nhân viên kỹ thuật của Ferrari thực hiện với các khách hàng của Ferrari.
Ngày 24/7/2022, Công an quận Long Biên xác nhận các bên liên quan vụ xe Ferrari đâm nát 2 gốc cây đã đến trình báo công an.
Một cán bộ CA quận Long Biên cho hay, cơ quan chức năng sẽ xác định rõ giao dịch giữa ba bên gồm chủ xe, người quản lý xưởng dịch vụ và người gây tai nạn làm hỏng xe.
Đại lý Volvo Hà Nội (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội) nơi chiếc xe được mang đến thay dây cu-roa. Ảnh: Lam Anh
Một kỹ thuật viên từng làm việc tại Công ty TNHH CT-Wearnes (đơn vị trước đây được chỉ định làm đại lý ủy quyền của Lamborghini, Bentley, Aston Martin) cho hay, việc khách hàng của anh phải đi nhờ xưởng dịch vụ là thường xuyên, do các thương hiệu xe sang tại Việt Nam có quá ít cơ sở bảo hành bảo dưỡng.
Theo kỹ thuật viên này, có thương hiệu dù là siêu xe trị giá triệu đô nhưng chỉ có một showroom chật chội tại TP.HCM, cho nên việc phải nhờ xưởng khác là đương nhiên. Tuy nhiên khi xảy ra sự cố thì tất cả “đổ lên đầu” anh cầm lái, bởi xưởng được ủy quyền chính hãng mà đi sửa xe ngoài là sai quy định, có thể bị nhà sản xuất thu hồi thương quyền.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Việt Nam ngoại trừ Mercedes có cơ sở lắp ráp trong nước với số đại lý chính thức nhiều nhất trong các thương hiệu hạng sang (17 đại lý).
Còn các thương hiệu xe sang khác được nhập khẩu và phân phối chính hãng gồm: Audi (Công ty CP Liên Á quốc tế), BMW (Thaco), Lexus (Toyota Việt Nam), Jaguar LandRover (Phú Thái Mobility), Porsche (Porsche Việt Nam), Rolls-Royce, McLaren và Lamborghini (S&S Automotive), Ferrari (Công ty TNHH Vina ASC Automotive)… có số lượng đại lý ít hơn, hầu như tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, do quy mô thị trường nên mạng lưới dịch vụ của nhiều nhà phân phối khá mỏng, dẫn đến tình huống khách hàng khó tiếp cận dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa.
Chẳng hạn, thương hiệu LandRover chỉ có 2 xưởng dịch vụ tại Hà Nội và TP.HCM, Porsche chỉ có 1 xưởng tại TP.HCM, Lamborghini và Bentley không có xưởng dịch vụ riêng.
Theo Nghị định 116, doanh nghiệp muốn sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng quy định của Nghị định này nhưng không quy định rõ về số lượng và phân bố như thế nào.
Với quy định như vậy, một số doanh nghiệp chỉ cần có một hoặc hai cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được cấp giấy chứng nhận là đã có thể có giấy phép nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, cần thiết phải có quy định rõ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu xe phải có đủ các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn đảm bảo năng lực thực hiện bảo hành, bảo dưỡng cho tất cả các xe do họ cung cấp ra thị trường. Các cơ sở này cũng cần phải phân bố một cách hợp lý để người sử dụng không phải di chuyển quá xa.