Những lưu ý quan trọng khi sử dụng xe điện Trung Quốc tại Việt Nam

Xe điện Trung Quốc đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam nhờ mức giá cạnh tranh, thiết kế hiện đại và công nghệ tiên tiến. 

Tuy nhiên, để đảm bảo trải nghiệm sử dụng tối ưu, chủ xe cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

Phạm vi di chuyển

Một trong những yếu tố hàng đầu khi mua xe điện là phạm vi di chuyển. Các mẫu xe điện Trung Quốc thường có thông số quãng đường ấn tượng trên giấy tờ, nhưng điều kiện thực tế tại Việt Nam có thể khiến con số này thay đổi đáng kể.

Ví dụ, mẫu BYD Dolphin có phạm vi di chuyển theo chuẩn CLTC (Trung Quốc) lên đến 420 km, nhưng khi đo theo chuẩn WLTP (Châu Âu), con số này chỉ còn khoảng 340 km. Điều này có nghĩa là khi vận hành thực tế tại Việt Nam, phạm vi di chuyển có thể bị ảnh hưởng do điều kiện giao thông, thời tiết và chất lượng hạ tầng đường sá.

Vì vậy, chủ xe cần cập nhật thông tin để có kế hoạch sử dụng phù hợp, tránh rơi vào các tình huống bị động.

Chuẩn sạc

Xe điện Trung Quốc thường sử dụng các chuẩn sạc nội địa, có thể khác biệt so với các tiêu chuẩn sạc quốc tế được phổ biến tại Việt Nam. Chẳng hạn, nhiều mẫu xe BYD, Wuling và Aion sử dụng chuẩn sạc GB/T, trong khi phần lớn trạm sạc tại Việt Nam đang triển khai chuẩn CCS2 hoặc CHAdeMO.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu sở hữu một chiếc Wuling Mini EV, bạn có thể gặp khó khăn khi tìm trạm sạc nhanh phù hợp. Một số dòng xe như BYD Atto 3 đã được điều chỉnh để hỗ trợ chuẩn sạc CCS2, nhưng không phải tất cả các mẫu xe Trung Quốc đều có sự tương thích này. Vì vậy, trước khi mua xe, người dùng cần kiểm tra xem mẫu xe mình chọn có hỗ trợ chuẩn sạc phổ biến tại Việt Nam hay không.

Hạ tầng trạm sạc 

Mặc dù các hãng xe điện đang dần mở rộng mạng lưới trạm sạc tại Việt Nam nhưng so với thị trường nội địa Trung Quốc, hạ tầng trạm sạc ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Tại Trung Quốc, xe điện có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm nghìn trạm sạc công cộng, trong khi đó tại Việt Nam, các trạm sạc nhanh vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Các mẫu xe như BYD Han, Hongqi E-HS9 có pin dung lượng lớn, đòi hỏi sạc nhanh để đảm bảo thời gian sử dụng tối ưu. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ xe cũng có thể tìm thấy một trạm sạc phù hợp trên hành trình dài.

Hiện, mạng lưới sạc công cộng ở Việt Nam chủ yếu là các trụ sạc V-GREEN do VinFast đầu tư xây dựng riêng cho xe điện của hãng. Các đơn vị đầu tư trạm sạc tư nhân mới có vài cái tên tiêu biểu như Eboost, EV One, EverCharge, EVN, DatCharge, Rabbit EVC, VuPhong Energy, SolarEV, Autel... hay mới nhất là PV Power - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Nếu tạm bỏ qua hệ thống trạm sạc V-GREEN, mạng lưới sạc công cộng do tư nhân phát triển vẫn còn khá mỏng tại Việt Nam.

Do đó, người dùng xe điện Trung Quốc cần chủ động tìm hiểu bản đồ trạm sạc trước khi di chuyển xa để tránh tình trạng hết pin giữa đường.

Sạc tại nhà

Do hạ tầng trạm sạc công cộng chưa hoàn thiện, việc lắp đặt trạm sạc tại nhà là một giải pháp thiết thực cho người dùng xe điện Trung Quốc. Hầu hết các mẫu xe như BYD Dolphin, Aion ES hay Wuling Mini EV đều hỗ trợ sạc AC với công suất 7kW, phù hợp để lắp đặt tại gia.

Tuy nhiên, một số mẫu xe có pin dung lượng lớn sẽ cần sạc nhanh DC để đảm bảo thời gian nạp điện hiệu quả, điều này có thể gây bất tiện nếu chủ xe không có điều kiện lắp đặt bộ sạc DC tại nhà.

Mặt khác, hệ thống điện tại Việt Nam có thể không đáp ứng được nhu cầu sạc liên tục của xe điện công suất cao. Chủ xe nên kiểm tra hạ tầng điện gia đình, đồng thời tham khảo các chuyên gia trước khi lắp đặt trạm sạc để đảm bảo an toàn.

Trước khi quyết định mua xe điện Trung Quốc, người dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo đánh giá thực tế và tính toán các phương án sạc phù hợp để tránh những phiền toái trong quá trình sử dụng.

TH (Tuoitrethudo)