Những chính sách về giao thông vận tải có hiệu lực từ tháng 9/2022

Bắt đầu từ ngày 1/9, có rất nhiều chính sách đáng chú ý liên quan đến xe ôtô sẽ được áp dụng
xe

Xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ

Theo Nghị định 47 sửa đổi, bổ sung quy định xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm. Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Trường hợp xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại nghị định này…

Bên cạnh đó, một số điều khoản liên quan đến việc thu hồi Giấy phép kinh doanh trong điểm d khoản 7 Điều 19 cũng được sửa đổi, bổ sung như sau: Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị vận tải trong thời hạn 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

Về phù hiệu được cấp lại sau khi bị thu hồi được trong khoản 7 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau: Sau khi hết thời gian bị thu hồi phù hiệu, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định.

Thông tin giám sát hành trình sẽ được dùng để quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải. Dữ liệu từ thiết bị được chia sẻ với Cục CSGT (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) để quản lý về trật tự, an toàn giao thông; thuế; phòng chống buôn lậu.

Ngoài ra, Nghị định 47 còn bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi nhận hàng hóa ký gửi ô tô, phải yêu cầu người gửi cung cấp họ tên, địa chỉ, số chứng minh/căn cước công dân, số điện thoại của người gửi và người nhận.

Cung cấp thông tin khi ký gửi hàng trên xe khách

Để bảo đảm công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa ký gửi trên xe khách, khoản 1 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định:

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ôtô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Không được cải tạo xe Limousine từ xe 16 chỗ chở khách

Từ ngày 1/9, Nghị định 47/2022/NĐ-CP ban hành ngày 19/7/2022 quy định không được sử dụng xe ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ôtô dưới 10 chỗ (tính cả lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Như vậy, có thể nói rằng đối với xe 16 chỗ sẽ không được cải tạo thành xe dưới 10 chỗ dạng limousine chở khách.

Đối với những xe đã được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9/2022, thì vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng.

Những xe limousine được cải tạo từ ngày này sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.

Xe ô tô du lịch theo tuyến phải có phù hiệu

Từ 1/9/2022, các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cần phải có phù hiệu “xe tuyến cố định” được dán cố định ở kính trước của xe.

Theo Nghị Định số 47 do Bộ giao thông Vận tải bổ sung vào ngày 22/7, các xe ôtô trung chuyển hành khách chạy theo tuyến phải được dán nhãn phù hợp với chức năng của từng xe.

Theo đó các xe du lịch trực thuộc các công ty kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách cần bổ sung nhãn dán “xe tuyến cố định” hoặc “xe trung chuyển” tùy thuộc theo từng loại dịch vụ mà phía nhà xe cung cấp.

Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ôtô theo tuyến cố định, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu cần bổ sung phù hiệu “xe tuyến cố định” dán ở phía bên phải bên trong kính trước của xe.

Ngoài ra đối với các xe được dùng để tăng cường phục vụ vận chuyển hành khách trong thời gian cao điểm lễ Tết, phía đơn vị khai thác cần sử dụng những xe đã có phù hiệu “xe tuyến cố định”, “xe ôtô vận tải khách du lịch” hay “xe hợp đồng” còn giá trị sử dụng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng yêu cầu các xe vận tải hành khách theo hợp đồng cần trang bị đủ các phụ hiệu “xe hợp đồng” trên xe. Phù hiệu được dán cần làm bằng vật liệu phản quang, có kích thước tối thiểu là 6x20cm được dán ở cả kính trước và sau của xe.

Các xe ôtô kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch cần có biển hiệu “xe ôtô vận tải khách du lịch” được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Cụm từ “xe du lịch” cũng cần được in trên vật liệu phản quang với kích thước là 6x20cm.

Cũng theo Nghị định số 47, các xe taxi có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả ghế người lái) có niên hạn sử dụng là 12 năm kể từ năm sản xuất.

Bỏ giới hạn số lượng xe nhập khẩu theo hình thức biếu tặng

Theo đó, Thông tư số 45/2022 bãi bỏ giới hạn số lượng xe mỗi tổ chức, cá nhân được nhập trong năm là 1 xe ôtô và 1 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng như quy định cũ trước đây.

Thay vào đó là “Chính sách quản lý xe ôtô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Trình tự thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu được cơ quan hải quan siết chặt hơn quy định cũ. Các Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe thực hiện thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo quy định.