Trong hơn 390.000 thí sinh, có đến gần 120.000 người trượt, riêng số trượt bằng lái ô tô chiếm gần 50%.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tỉ lệ và số lượng học viên rớt sát hạch ô tô nhiều so với năm trước là do việc áp dụng thêm nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Việc thi mô phỏng này còn tồn tại bất cập, nhiều tình huống chưa sát thực tế đi trên đường, kết quả phụ thuộc vào ý chí của người lập trình phần mềm. Điều này dẫn tới người dân xử lý chậm vài giây là đã bị đánh rớt.
Bên cạnh đó, hiện nay quá trình học lái xe khá dài, với nhiều nội dung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các học viên không thể tiếp thu hết, học thiếu nội dung... dẫn đến kết quả bị trượt.
Nhiều người bày tỏ mong muốn giảm tải phần thi mô phỏng, và tăng phần thi thực hành. Điều này thiết thực và đỡ một phần gánh nặng cho việc thi bằng lái xe.
Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng phần thi mô phỏng rất hữu ích. Phần thi này giúp nâng cao kỹ năng phán đoán tình huống của lái xe, phù hợp với thông lệ quốc tế vì rất nhiều nước đã và đang áp dụng.Yếu tố quyết định việc đỗ hay trượt vẫn là do người dạy và người học.
Khác với TP.HCM, ở Quảng Ninh và Hải Phòng, tỷ lệ người đỗ khi thi bằng lái xe vẫn đang ngày một cao.
Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 10/11/2023, Sở GTVT Quảng Ninh đã tổ chức 144 kỳ sát hạch ô tô với số lượng người tham gia là 20.638 lượt, tỷ lệ đỗ là 57%.
Tại Hà Nội, năm 2023, tổng số thí sinh dự sát hạch cấp GPLX là 207.844 lượt, số trượt là 113.080, tỷ lệ 54.4%. Trong đó nội dung sát hạch mô phỏng có 112.889 lượt dự thi, số trượt là 18.572, tỷ lệ 16.4%.
Trước tình hình trên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, qua các ý kiến phản ánh từ các sở GTVT và người học, Cục đã tiếp thu và điều chỉnh nâng cấp phần mềm thi mô phỏng. Phiên bản mới sẽ chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 1/2 tới đây.
Sau quá trình sửa đổi, cục đã tập trung vào các tình huống rõ ràng hơn, giúp học viên dễ nhận biết hơn. Thời gian chấm điểm cũng được kéo dài hơn. Những người quá hạn GPLX phải thi lại lý thuyết sẽ không phải sát hạch bằng phần mềm mô phỏng.
Các nội dung đã điều chỉnh trong phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông gồm:
Điều chỉnh, đồ họa lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học lái xe dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn.
Với phần mềm ôn tập, bổ sung ba tính năng gồm: bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.
Phần mềm sát hạch cũng được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây; không cho nhấn đúp vào phần video, dẫn đến mất lệnh; kéo dài mốc thời gian chấm điểm từ khi xuất hiện tình huống nguy hiểm đến khi kết thúc (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác.
Bên cạnh đó, ông Thống khẳng định, sẽ không bỏ phần mềm mô phỏng. Đây là nội dung bắt buộc phải thực hiện vì đã được quy định tại Nghị định 138/2018 và Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT.
Phần mềm này đã được nghiên cứu kỹ càng và tham khảo từ các nước như: Anh, Nhật, Australia và các tình huống tai nạn giao thông đã xảy ra ở Việt Nam.
Việc sử dụng phần mềm sẽ giúp học viên nhận biết các tình huống nguy hiểm đang phát triển có thể dẫn đến tai nạn giao thông.
TH (Tuoitrethudo)