Lúc 15h ngày 10/1 (giờ Việt Nam), trên Oilprice, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 74,4 USD/thùng, giảm 0,29%; dầu Brent giao dịch mức 79,3 USD/thùng, giảm 0,35% so 24 giờ trước đó. Mức giá này thấp hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá 21/12/2022 và kỳ điều hành 3/1/2023 (là 89,110 USD/thùng xăng RON92 và 92,513 USD/thùng xăng RON95).
Trên thị trường Singapore tính đến 6/1, giá các mặt hàng xăng dầu đều giảm nhẹ so với mức giá bán lẻ được liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố ngày 3/1 vừa qua. Mức chênh lệch dao động từ 180 - 400 đồng/lít/kg.
Thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn chưa cập nhật giá xăng dầu trên thị trường Singapore chu kỳ trước. Nhưng theo các doanh nghiệp, bình quân toàn chu kỳ theo giá thế giới, giá xăng và dầu giảm nhẹ.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá dầu thế giới những ngày gần đây có xu hướng tăng, giảm đan xen song vẫn giảm nếu so với kỳ điều hành liền trước. Nhà lãnh đạo này cho rằng nếu giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng hiện tại thì tại kỳ điều hành giá trong nước tới đây, nhà quản lý có thể sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu. Mức giảm phụ thuộc vào việc trích lập, chi quỹ Bình ổn giá (BOG).
Tại kỳ điều hành ngày 3/1, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 332 đồng/lít, bán ra 21.352 đồng/lít; xăng RON95 tăng 347 đồng lít, bán ra 22.154 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu diesel giữ nguyên giá mức 22.151 đồng/lít trong khi dầu hỏa tăng 601 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.767 đồng/lít; dầu mazut tăng 107 đồng/kg bán ra không cao hơn 13.740 đồng/kg.
Tại kỳ này, nhà điều hành không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut, trong khi thực hiện trích lập đối với dầu diesel ở mức 605 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít).
Đồng thời không thực hiện chi Quỹ quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, thực hiện chi đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 350 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít; dầu mazut ở mức 100 đồng/kg.
Liên bộ Công Thương - Tài chính cho hay, thị trường xăng dầu thế giới gần đây chịu ảnh hưởng của các yếu tố như diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh; việc Nga có khả năng cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đối với các quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu… các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.
Bộ Công Thương đề xuất sửa công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu
Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu bán lẻ trong nước. Một trong những nội dung được đưa ra trong dự thảo để lấy ý kiến là công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo một trong hai phương án.
Thứ nhất , tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành (như rà soát nội dung quy định về premium trong nước...). Đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí... để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Ưu điểm của phương án này là Nhà nước tiếp tục quản lý chặt chẽ đối với giá xăng dầu bán trên thị trường, giá xăng dầu trên thị trường cơ bản thống nhất giữa các địa bàn. Tuy vậy, khi các yếu tố cấu thành giá như chi phí kinh doanh có biến động bất thường, mặc dù việc rà soát, tính toán đã được quy định theo hướng kịp thời hơn nhưng mức chi phi cuối cùng trong công thức giá cơ sở vẫn là mức bình quân nên sẽ không phản ánh đúng chỉ phí thực tế doanh nghiệp phải chỉ ra. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại, không bảo đảm duy trì được hoạt động kinh doanh, gây bất ổn nguồn cung cục bộ.
Thứ hai, sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành gồm giá thế giới (giá Platt's), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ BOG (có quy định nguyên tắc vận hành của công cụ quỹ cụ thể) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán là của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
Phương án này giúp bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường quyết định, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường. Khi doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí trong kinh doanh xăng dầu thì vấn đề chiết khấu cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống phân phối cũng sẽ được giải quyết. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ cân đối và duy trì chiết khấu trong hệ thống ở mức phù hợp với thực tế cung cầu từng giai đoạn và giúp thúc đẩy tính cạnh tranh.
Nhược điểm của phương án này là có nhiều mức giá trên thị trường, khi người dân chưa quen với việc này sẽ có phản ứng đối với giá xăng dầu của các doanh nghiệp có chi phí cao. Đối với những địa bàn không có nhiều doanh nghiệp cung cấp xăng dầu cho thị trường (mức độ cạnh tranh kém), quy định này sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán. Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, do phát sinh chi phí cao, mức độ cạnh tranh thấp nên người dân tại các địa bàn này có thể phải mua xăng dầu với giá cao hơn các địa bàn khác.
Bộ Công Thương nêu quan điểm lựa chọn phương án thứ hai, tức là Nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ BOG), các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước cơ quan kiểm toán.
"Lựa chọn phương án trên để đưa giá xăng dầu dẫn về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, bảo đảm phản ảnh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường", Bộ Công Thương lý giải.