Người dân bị bắt buộc mua bảo hiểm xe máy, trong khi tỉ lệ chi trả rất thấp. .
"Bỏ yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm mới là việc làm có lợi cho người dân, vì khi đó số lượng người mua giảm mạnh, các công ty bảo hiểm sẽ phải có những cải tổ lớn trong chính sách, thủ tục cũng như tăng cường quyền lợi cho người mua từ đó nâng cao chất lượng phục vụ" - bạn đọc Hiệp đề xuất.
Nhắc lại những chuyện từng xảy ra, bạn đọc Tuyến Huỳnh cho rằng đã từ lâu mỗi khi báo đài đề cập vấn đề này đều nhận rất nhiều bình luận mà trong đó gần như tuyệt đối là lựa chọn phương án "tự nguyện". Thế nhưng, không hiểu vì sao vẫn không thay đổi hoặc bỏ hẳn từ "bắt buộc
Ngoài ra, đa số ý kiến cho rằng, mua bảo hiểm thì dễ, đến lúc đòi bồi thường, thủ tục rất nhiêu khê, phức tạp, khiến khách hàng "nản toàn tập".
Bên cạnh đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng chỉ đến lúc Nhà nước bỏ bảo hiểm bắt buộc thì lúc đó các công ty bảo hiểm sẽ cải tiến thủ tục đền bù để kích thích người dân tham gia bảo hiểm.
Góp thêm một giải pháp, bạn đọc Trần Văn Ngọc bổ sung: "Hiện nay xe máy rất nhiều, theo tôi thì việc bảo hiểm xe máy giao cho một công ty nào đó có thẩm quyền và quyết định. Khi có tai nạn giao thông xảy ra, họ xác minh và đền bù luôn. Làm được điều này cũng góp phần không nhỏ đến ý thức của người tham gia giao thông".
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Nhìn nhận một cách khách quan, hiện tại chính sách và quy trình giải quyết bồi thường tuy có sự cải thiện so với trước, nhưng vẫn chưa thực sự thông thoáng, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xe cơ giới.
Vì vậy, các công ty bảo hiểm cần đơn giản hóa quy trình, tăng cường ứng dụng số hóa để thực hiện bồi thường được nhanh chóng, nhưng thực tế vẫn gặp khó khăn do liên quan đến sự phối hợp giữa các bên.
Tuy nhiên, khi đã quy định bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm thì cũng cần có quy định bắt buộc bên bảo hiểm phải có trách nhiệm thu thập hồ sơ các vụ tai nạn liên quan đến người mua. Nếu không làm được việc này thì không nên bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy, thay vào đó là tự nguyện.
Thực tế hiện nay, dù bắt buộc chủ xe mô tô, xe máy phải mua bảo hiểm nhưng khi xảy ra tai nạn và đề nghị chi trả bảo hiểm thì công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, gây khó khăn, thủ tục rườm rà khiến người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.
Bảo hiểm xe máy bắt buộc hiện không phát huy được vai trò
Theo luật sư Hoàng Tùng (Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển) cho biết, bảo hiểm xe máy bắt buộc hiện không phát huy được vai trò, mục đích của việc đảm bảo quyền lợi. Bởi, khi có tai nạn xảy ra, thủ tục bồi thường quá phức tạp, gây khó khăn cho người thụ hưởng.
Theo đó, khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.
Ngoài ra, chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn...
Đặc biệt, ngoài bản thông báo tới doanh nghiệp bảo hiểm, với hàng loạt thông tin phải kê khai, chủ xe phải hoàn thành, tập hợp đủ tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, gồm giấy phép lái xe, giấy ra viện, hồ sơ bệnh án, hóa đơn sửa chữa, thay thế phụ tùng phương tiện tại cơ sở mà doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định. Và phải gửi tới doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng).
"Tất cả các giấy tờ chứng minh đó phải hợp pháp mới được cơ quan bảo hiểm tiến hành thanh toán. Trong trường hợp chủ phương tiện chỉ bị xử phạt hành chính (không gây chết người, không truy cứu trách nhiệm hình sự), hai bên tự thoả thuận, giải quyết bồi thường thì hồ sơ này, người thụ hưởng phải tự đi chứng minh, thu thập chứng cứ, điều này gây trở ngại rất lớn.
"Có thể thấy rằng việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự không đảm bảo được mục đích đề ra. Thay vì để tồn đọng nhiều nguy cơ dẫn đến sai phạm, trục lợi bảo hiểm, gây khó khăn cho người dân thì không nên bắt buộc người dân mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Do đó, tôi kiến nghị nên loại bỏ việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện xe máy, xe cơ giới. Các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét để tiến hành sửa đổi các quy định của pháp luật, đặt ra lộ trình phù hợp để xử lý vấn đề này", ông Tùng nói.
(Tổng hợp)