MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ

Theo nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh, mẫu xe MG G50 gặp khó khăn ngay từ thời điểm ban đầu khi mất rất nhiều thời gian từ năm ngoái đến năm nay mới chính thức ra mắt thị trường.
MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 1.

Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh về chủ đề: MG và sự chờ đợi giảm giá?

MG G50 ra mắt 29/3 với 3 phiên bản đi kèm giá bán 559 - 749 triệu đồng. Ngay lập tức, nhiều người cho rằng mức giá này không rẻ như kỳ vọng và đặt ra câu hỏi liệu mẫu xe này có giảm giá hay không. Vậy theo anh, câu trả lời sẽ là gì?

Tôi có may mắn được trao đổi với một số người liên quan đến MG tại Việt Nam. Từ đó, tôi có thể khẳng định là chiến lược của MG khi vào Việt Nam là giá bán, có nghĩa là “ở đâu bán rẻ, chúng tôi bán rẻ hơn”.

Mức giá mà MG công bố mỗi khi ra sản phẩm mới mang ý nghĩa truyền thông nhiều hơn. Hiện nay, chúng ta thấy rằng giá bán các mẫu xe MG đến tay người tiêu dùng bằng cách này hay cách khác sẽ rẻ nhất. Hãng có thể hy sinh rất nhiều thứ, nhưng khi đã chọn chiến lược giá, MG Việt Nam luôn đảm bảo xe của họ giá rẻ nhất. Thực tế, không chỉ ô tô, một số đơn vị kinh doanh ở các lĩnh vực khác đều áp dụng chiến lược tương tự.

MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 2.

Vậy nếu giảm giá như dự đoán, cơ hội của MG G50 trong phân khúc MPV hiện nay là như thế nào, thưa anh?

Hiện nay, G50 cũng là một mẫu xe gặp khó khăn nhất định trong kinh doanh. Thực tế, hãng mất rất nhiều thời gian kể từ khi trưng bày hồi năm ngoái đến gần đây mới chính thức ra mắt thị trường.

Ở góc độ khách quan, phân khúc MPV rất chật chội với nhiều mẫu xe. Mitsubishi Xpander là một sản phẩm mạnh, cùng với đó VinFast sắp giới thiệu một mẫu xe thuần điện. Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi sản phẩm sẽ có một tệp khách hàng nhất định. 

MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 3.

Ở góc độ chủ quan, sau khi tiếp xúc với MG G50, tôi cho rằng mẫu xe này cũng có những ưu thế của mình. Hãng xe này có mạng lưới phân phối và dịch vụ cũng tương đối tốt, nhất là với những mẫu xe thiên về vận tải du lịch. Tôi cho rằng, mẫu xe MG G50 có thể có được chỗ đứng trên thị trường. Điều quan trọng là nhà sản xuất có thể chỉ cho người tiêu dùng những lợi thế của mình.

Ngoài ra, thêm một yếu tố khách quan để MG G50 có thể hy vọng. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc, người Trung Quốc làm việc và sinh sống ở Việt Nam rất đông. Đi kèm với đó là nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm việc cùng đối tác Trung Quốc. Với ưu thế về giá bán cũng như hệ thống phân phối, dịch vụ, MG G50 có thể trở thành một phương tiện đi lại chuẩn mực của các doanh nghiệp này. Trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc khi qua Việt Nam đều muốn sử dụng xe của nước họ, như một cách đóng góp cho quê hương.

Kết hợp những yếu tố đó, tôi cho rằng MG G50 hoàn toàn có tương lai. Việc cần làm bây giờ là có một đội ngũ tư vấn bán hàng nhiệt tình, chăm sóc khách hàng tốt.

MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 4.

Anh nói rằng MG G50 vẫn có cơ hội. Vậy cơ hội này có đủ lớn đến tạo nên điểm sáng trong phân khúc MPV hay không?

Chúng ta đều thấy rằng MG đang theo đuổi chính sách về giá bán. Nếu họ có thể giải bài toán này bằng các gói tài chính khi mua xe cũng như chi phí sử dụng lâu dài sẽ tạo ra một lợi thế lớn. 

Bởi vì, nhiều hãng xe Trung Quốc khi vào Việt Nam có những mẫu xe tốt, hình ảnh tốt nhưng không có những ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ cho khách mua xe của họ. Điều này rất khó để một thương hiệu bán được xe, nhất là khi các khách hàng doanh nghiệp thường mua xe trả góp để tối ưu chi phí ban đầu.

Vì thế, tôi cho rằng với chiến lược giá ưu tiên giảm chi phí mua xe ban đầu cũng như trong quá trình sử dụng, kết hợp với các gói hỗ trợ từ ngân hàng sẽ tạo sức hấp dẫn cho G50 trước các đối thủ khác. 

Tuy nhiên, G50 vẫn sẽ gặp phải khó khăn khi nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay đã quen với việc sử dụng xe Nhật, hệ thống dịch vụ cũng như giá phụ tùng xe Nhật. Tôi từng trao đổi với một số lái xe taxi, họ nói rằng một chiếc Mitsubishi Xpander chạy 100.000km nếu phải thay giảm xóc cũng chỉ tốn vài triệu đồng. Ở góc độ này, những mẫu xe trên thị trường hiện nay được nhiều doanh nghiệp tin tưởng, MG G50 muốn thay thế là không dễ.

MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 5.

Về dài hạn, việc giảm giá xe sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa anh?

Tất cả những nhà sản xuất chọn cách kinh doanh bằng chính sách giá đều có kế hoạch và tính toán kỹ càng, không phải giảm giá một cách ngẫu nhiên.

Ví dụ, Mazda CX-5 đang giảm giá “sốc” khi bản tiêu chuẩn dưới 700 triệu đồng. Lý do đơn giản chỉ là dây chuyền lắp ráp mẫu xe này đã khấu hao hết. Lúc này, THACO Auto muốn chọn mức giá nào để cạnh tranh với đối thủ cũng rất đơn giản, khiến nhiều mẫu xe trong phân khúc này thất bại. Với THACO Auto, tôi cho rằng biên độ lợi nhuận của họ đã đủ lớn, nên có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn để trở nên vượt trội đối thủ và thu thập thêm khách hàng.

Với MG cũng tương tự. Việc giảm giá không đáng ngại bằng việc họ đang theo đuổi một chiến lược được gọi là bền vững đã vạch ra. Nếu không phát sinh những điều bất thường, việc giảm giá xe trong khuôn khổ đã lên kế hoạch sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của MG.

MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 6.

Chiến lược giảm giá sẽ nảy sinh 2 vấn đề. Khách hàng mới sẽ chờ bao giờ xe giảm nhiều mới mua xe. Còn khách hàng cũ cảm thấy bị tổn thương, lo lắng về giá bán lại trên thị trường xe cũ. Anh nhận định như thế nào về điều này?

Câu chuyện xe vừa mua xong mất giá không mới với người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều năm qua, nhiều hãng cũng từng giảm giá theo kiểu “gây sốc” như thế. Tôi có những người bạn vừa mua xe hôm nay và hôm sau xe giảm giá 20-30 triệu, thậm chí nhiều hơn.

Ở góc độ người dùng, việc giảm giá không đáng ngại. 

Thứ nhất, điều quan trọng là lời hứa của nhà sản xuất. Nếu nhà sản xuất cho người tiêu dùng thấy được những giá trị để có thể gắn bó hơn là giá bán, khách hàng vẫn sẽ trung thành. 

Thứ 2, hiện nay nhiều hãng xe luôn có chính sách là chăm sóc khách hàng trong dài hạn. Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ trả lại quyền lợi cho khách hàng đang sử dụng xe. Điều này giúp khỏa lấp sự tiếc nuối của khách hàng.

Thứ 3, những mẫu xe như G50 hay tương tự thường được sử dụng cho mục đích kinh doanh dịch vụ. Vì thế, khách hàng thường quan tâm đến mục đích sử dụng hơn là giá bán.

MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 7.

Thị trường đã trải qua nhiều đợt giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ, người dùng ở những lần đầu luôn có tâm lý chờ đợi thời điểm. Nhưng về sau, việc giảm lệ phí trước bạ đã dần thành quen thuộc bởi nếu Chính phủ không giảm, hãng xe sẽ chủ động giảm. Sự nhượng bộ đến từ 2 phía khách hàng và hãng xe giúp thị trường ô tô thuận lợi hơn.

Ở một mặt khác, khách hàng đương nhiên luôn thích giảm giá. Nhưng các hãng xe sẽ không thích bởi lúc đó họ sẽ mất đi một phần ngân sách cho việc nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng chăm sóc khách hàng lâu dài.

Vì thế, cá nhân tôi thì cho rằng giảm giá là con dao 2 lưỡi. Về khách hàng, một số muốn mua xe giá rẻ nhất có thể, nhưng cũng có người ưu tiên chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng.

MG G50: Thách thức từ giảm giá và xe Nhật chạy dịch vụ- Ảnh 8.

Cảm ơn anh Linh rất nhiều về những chia sẻ này.

Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel.

Chương trình được phát sóng trên HTV9 lúc 18h10 từ thứ 2 đến thứ 7 và phát lại lúc 20h00 trên đa nền tảng VCCorp.