Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh hoành hành. Trong dự thảo đó có nội dung về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho đến hết năm 2020, đồng thời đề cập đến chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội địa.
Đây không phải lần đầu tiên việc giảm lệ phí trước bạ được nhắc đến. Trước đó, Bộ Công Thương đã từng đề xuất lên chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước. VAMA nhận thấy sự sụt giảm của thị trường và lượng tồn kho ô tô ngày càng lớn nên cũng đã đề xuất tới Chính phủ với mong muốn được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ và giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Nếu đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô nội được thông qua, người mua các dòng xe sang, đắt tiền sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí nhất. Hiện tại, mức lệ phí trước bạ là 10-12% tuỳ địa phương. Xe có giá trị càng cao, lệ phí trước bạ đóng theo tỷ lệ trên tính ra càng nhiều.
Ở phân khúc xe sang, chỉ có Mercedes-Benz lắp ráp xe tại Việt Nam. Liên doanh Đức đang lắp khá nhiều dòng xe, từ C-Class, GLC, E-Class đến S-Class. Trong đó, mẫu xe S-Class với phiên bản S 450 L Luxury có giá đắt đỏ nhất gần 5 tỷ đồng. Lệ phí trước bạ cho phiên bản này dao động từ khoảng 500-600 triệu đồng. 50% trước bạ tương đương 250-300 triệu đồng. Người mua các xe E-Class và GLC phiên bản cao cấp cũng sẽ tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng khi lệ phí trước bạ giảm.
Trong khi đó, các xe sang đến từ thương hiệu đối thủ của Mercedes-Benz như BMW, Audi, Volvo hay Lexus... 100% được nhập khẩu nguyên chiếc và không nằm trong diện được nhận ưu đãi. Lợi thế cạnh tranh của Mercedes-Benz là rất lớn nếu đề xuất giảm lệ phí trước bạ được thông qua.
Đối với những mẫu xe tầm tiền khoảng 1 tỷ đồng như Toyota Fortuner, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander, Hyundai Santa Fe, VinFast Lux A2.0, Mazda6... chi phí mua xe cũng sẽ giảm khoảng 50-60 triệu đồng nếu trước bạ giảm 50%. Chi phí mua các xe tầm giá 500-600 triệu đồng như Toyota Vios hay Mitsubishi Xpander sẽ giảm khoảng 25-35 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu Chính phủ đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội địa, giá thành sản xuất xe cũng giảm và giá bán có cơ hội giảm theo. Hiện tại, VinFast là hãng xe duy nhất sản xuất ô tô thực sự tại Việt Nam. Ba "ông lớn" trong lĩnh vực lắp ráp ô tô là THACO (thương hiệu Mazda, Kia, Peugoet), Toyota Việt Nam và TC Motor (thương hiệu Hyundai) có sản lượng và thị phần áp đảo so với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, một số thương hiệu xe khác cũng có sản lượng xe lắp ráp đáng kể là Mitsubishi, Honda hay Ford. Hàng chục dòng xe khác nhau sẽ hưởng lợi khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm.
Trong thời điểm này, mặc dù chưa nhận được hỗ trợ, các doanh nghiệp lắp ráp và cả nhập khẩu ô tô đã liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi lớn cho nhiều mẫu xe để kích cầu tiêu dùng. Các mẫu xe từ phổ thông đến xe sang được hỗ trợ lệ phí trước bạ, giảm giá hàng trăm triệu đồng với xe tầm trung và xe sang, giảm hàng chục triệu đồng với xe bình dân.