Lái xe taxi kín bưng khẩu trang, khử trùng ô tô hàng ngày
Mới đây, báo cáo của Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai, Hà Nội thông tin, đơn vị tiếp nhận một bệnh nhân là tài xế taxi bị sốt cao, viêm phổi, nghi nhiễm virus corona và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đó là trường hợp anh Trịnh Bảo T. (sinh năm 1995, trú tại phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) với các triệu chứng sốt cao, viêm phổi phát sinh đúng thời điểm xuất hiện dịch ngày cuối tháng 1.
Thông tin trên khiến nhiều tài xế taxi không khỏi lo lắng khi thường xuyên tiếp xúc, đưa đón nhiều khách hàng bao gồm cả khách hàng ngoại quốc. Một số tài xế đã chủ động phòng bệnh cho bản thân và khách hàng bằng nhiều cách.
Trao đổi với phóng viên, anh Hải Đăng, tài tế taxi xe G7 cho biết: "Nghe thông tin có tài xế taxi nghi dương tính với virus corona tôi khá lo. Việc thì vẫn phải làm vì miếng cơm manh áo nên chỉ biết cầu trời và chủ động phòng dịch thôi. Ngoài quy định bắt buộc của hãng là phải đeo khẩu trang khi làm việc, chở khách, tôi mua thêm nước xịt kháng khuẩn, rửa tay khô để dùng"
"Được biết virus corona sẽ yếu đi ở nhiệt độ trên 25 độ C nên cuối ngày đi làm về, hoặc trước khi đưa đón khách, tôi thường bật điều hòa nóng một lúc cho ấm không khí xe lên, mong diệt được virus. Cách làm này được cánh tài xế truyền tai nhau mấy ngày nay, hi vọng là có hiệu quả", anh Đăng chia sẻ.
Các tài xế taxi đều chủ động đeo khẩu trang phòng dịch corona trong lúc đón chở khách.
Anh Phạm Ngọc Thắng, tài xế Grabcar cũng than thở: "Mỗi ngày, bình quân tôi chở trên dưới 20 người, không biết ai với ai, nhưng trong đó có cả khách nước ngoài. Vì thế, chúng tôi bắt buộc phải đeo khẩu trang để phòng bệnh chứ kỳ thực, đeo cả ngày cũng khó chịu, bức bí lắm".
Anh Thắng cho biết, trong cốp xe, anh luôn để sẵn khẩu trang để phòng khách lên xe không có thì đưa cho khách dùng. Tối về, vị tài xế này cũng sử dụng cồn sát trùng để lau chùi xe, các vị trí tay nắm cửa, ghế, tay lái... phòng ngừa virus corona bám bề mặt.
"Giá khẩu trang, dung dịch khử trùng đắt đỏ quá, anh em taxi ai cũng than, nhưng may mà tôi có người thân làm ở cửa hiệu thuốc nên mới mua được", anh Thắng nói.
Gần 1 tuần đón chở khách trong tâm thế sợ lây bệnh từ người lạ, anh Nguyễn Tài, một lái xe ở Hà Nội cũng cho biết anh luôn phải dò hỏi, học lỏm vô số cách phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra từ đủ kênh thông tin.
“Nghĩ nghề mình hiện tại có quá nhiều rủi ro, không chỉ rủi cho bản thân mà còn có thể liên lụy đến vợ con bất cứ lúc nào nếu lỡ bị dính bệnh. Sợ ảnh hưởng đến gia đình, đi làm về là tôi vào thẳng nhà vệ sinh rửa mặt và chân tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước rửa tay, sau đó mới tiếp xúc với người nhà. Quần áo đi làm về thay luôn, xe không rửa được mỗi ngày nên phải chịu khó lau bên trong xe, xịt thuốc khử vi khuẩn. Làm thế để virus không có chỗ sống”, anh Tài chia sẻ.
Tài xế taxi than “đói” khách
Dù nhiều hãng taxi đã ban hành quy định phòng chống dịch, các lái xe cũng đã chủ động áp dụng các phương pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo nhưng do tâm lý hạn chế ra đường đã khiến lượng khách đi lại bằng taxi cũng sụt giảm.
Nhiều tài xế méo mặt than “ế” khách. Anh Duy Tùng đang làm tài xế taxi Grabcar ở Hà Nội buồn bã nói: "Dịch corona đảo lộn tất cả rồi. Anh em taxi chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn, khách không có, giảm đến 40-50% so với ngày thường, tiền đàm (phí thương hiệu, phí tổng đài-PV) công ty vẫn phải trả đều. Chúng tôi đang không biết phải xoay sở thế nào nếu cứ tiếp diễn thế này”.
Một tài xế taxi chia sẻ hình ảnh đường phố vằng tanh, taxi ế khách trầm trọng. |
Anh Nguyễn Hà, tài xế taxi G7 cũng chia sẻ: “ Chúng tôi định kéo nhau lên công ty xin được giảm tiền đàm tháng này chứ tình hình này thì không trụ nổi. Thường ngày chạy được khoảng 1,5- 2 triệu đồng thì mấy ngày nay chỉ đạt vài trăm nghìn đồng. Có hôm từ 7h sáng đến 10h tối, tôi chỉ kiếm được 200.000 đồng, chẳng đủ tiền xăng, tiền đàm… Nhiều anh em đợt này than vãn lắm”.
Theo anh Hà, “tiền đàm” là mức phí bắt buộc tài xế phải đóng hàng tháng cho công ty. Mức phí này có thể dao động tuỳ theo độ nổi tiếng của thương hiệu và hiện đang ở mức từ 1,6 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng/tháng.
Nhiều tài xế cũng chia sẻ kết quả "cày cuốc" trong ngày của mình không mấy khả quan. |
“Chúng tôi là người chịu thiệt hại lớn về dịch bệnh vì lượng khách sụt giảm. Như tôi chuyên chở khách tuyến Nội Bài-Hà Nội nay khách giảm đi rõ rệt. Tình hình trong nội đô thành phố Hà Nội cũng chẳng khả quan khi nhiều anh em than nhau chắc bỏ nghề vì "đói" khách", anh Trần Phi, một tài xế taxi truyền thống cho biết.