Lộ diện địa phương lọt top tỷ lệ người dân mua ô tô nhiều nhất, nhưng không thuộc top 10 tỉnh thành có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm

Trong top 5 địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất năm 2021, duy nhất chỉ có tỉnh này không thuộc top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm 2021.

Năm 2021, số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được người tiêu dùng Việt Nam mua và đi đăng kiểm lần đầu tiên đạt 318.704 xe các loại. Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất, với 50.928 xe. Theo sau đó lần lượt là TP. HCM, Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương.

Lộ diện địa phương lọt top tỷ lệ người dân mua ô tô nhiều nhất, nhưng không thuộc top 10 tỉnh thành có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm - Ảnh 1.

Xét trong khu vực, Việt Nam là thị trường ô tô có quy mô lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN, xếp sau Indonesia 887.202 xe, Thái Lan 759.119 xe và Malaysia 508.911 xe. Dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tiêu thụ ô tô con tại Việt Nam năm 2021 vẫn cao hơn mức 296.634 xe của năm 2020 và thấp hơn so với 322.322 xe của năm 2019.

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy, chỉ có 5,7% số hộ gia đình trên cả nước sở hữu ô tô con. Khu vực thành thị có tỷ lệ cao gấp gần 3 lần so với nông thôn, lần lượt là 9,5% và 3,6%.

Báo cáo của Fitch Solutions năm 2020 từng nhấn mạnh, xếp hạng mức độ hấp dẫn tương đối của một quốc gia, đối với các cơ sở sản xuất ô tô thì Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những thị trường bán lẻ ô tô hấp dẫn nhất trong các quốc gia châu Á mới nổi.

Tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người đã đạt ngưỡng 3.000 USD/năm, trong khi tỷ lệ sở hữu ô tô đạt 32 xe/1.000 dân. Đáng chú ý, trong top 5 địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất năm 2021, duy nhất chỉ có Nghệ An không thuộc top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm 2021.

Năm 2021, mức tăng trưởng (GRDP) của Nghệ An đạt 6,2%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 22 của cả nước. Tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 đạt 2,58%, với 54 địa phương tăng trưởng GRDP cao hơn năm trước và 9 địa phương tăng trưởng âm.

Cụ thể, GRDP của TP. HCM ước đạt xấp xỉ 1,299 triệu tỷ đồng (theo giá hiện hành), giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước, song vẫn là thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước. Theo sau là Hà Nội với 1,067 triệu tỷ đồng. Tính chung cả năm 2021, GRDP của thành phố tăng 2,92%, là mức thấp so với kế hoạch (7,5%) và thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (4,18%). Đứng thứ 3 là Bình Dương với 408,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,62% so với cùng kỳ.

Xét về GRDP bình quân đầu người, năm 2021, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đạt GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước với 281,24 triệu đồng/người. Đứng thứ hai là Quảng Ninh với 176 triệu đồng/người.

Lộ diện địa phương lọt top tỷ lệ người dân mua ô tô nhiều nhất, nhưng không thuộc top 10 tỉnh thành có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm - Ảnh 2.

Địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe nhiều nhất là Hà Nội, cũng thuộc top 7 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm 2021, ở mức 281,24 triệu đồng. Tương tự, TP. HCM đứng thứ 2 trong top tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất, đứng thứ 6 trong top địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm.

Hải Phòng xếp thứ 3 trong top tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất, thứ 5 trong top địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm. Bình Dương đứng vị trí thứ 5 trong top tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất, thứ 3 trong top địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm.

Ngoài ra, nhiều tỉnh thành ghi nhận số lượng ô tô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống, do người dân mua và đăng kiểm lần đầu cao như Thanh Hóa 10.963 xe, xếp thứ 6 và Hà Tĩnh 8.262 xe, xếp thứ 8.

Trong khi đó, địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất năm 2021 là Bà Rịa -Vũng Tàu lại xếp thứ 16 trong tỷ lệ mua ô tô, với 6.115 xe. Còn người dân Quảng Ninh mua 7.801 xe trong năm 2021, xếp vị trí thứ 9. Người dân Đà Nẵng mua 5.132 xe, xếp vị trí thứ 18.