Lái xe uống rượu bia gây tai nạn không được bồi thường bảo hiểm

Nghị định 03/2021 xác định rõ các trường hợp từ chối bồi thường bảo hiểm, trong đó có trường hợp lái xe uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích gây tai nạn.

Ngày 15/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới. Nghị định 03/2021 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2021.

Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), nghị định mới được ban hành nhằm thay thế các quy định về bảo hiểm TNDS bắt buộc nằm ở 2 nghị định cũ, là Nghị định 103/2008 và Nghị định 214/2013 - vốn có nhiều điểm không còn phù hợp thực tiễn.

Theo ông Xuân, nghị định mới có một số điểm đáng chú ý, thứ nhất về thời hạn bảo hiểm, điều 9 Nghị định này quy định thời gian ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm dài hơn.

Tại nghị định cũ (khoản 1 Điều 10 Nghị định 103/2008) quy định thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm là 1 năm nhưng tại Nghị định 03/2021, đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.

Lái xe uống rượu bia gây tai nạn không được bồi thường bảo hiểm

Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.

Thứ hai, về tạm ứng chi phí bồi thường bảo hiểm, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ và xác định vụ việc trong diện bồi thường, bảo hiểm phải tạm ứng 70% mức phí bồi thường với tổn thất gây tử vong, tạm ứng 50% với tổn thất về người phải nằm cấp cứu.

Thứ ba, về từ chối bồi thường bảo hiểm, nghị định mới xác định doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

Người lái xe đang bị tạm giữ giấy phép lái xe, hoặc giấy phép lái xe hết hạn, giấy phép không phù hợp với hạng xe đang lái cũng bị từ chối bồi thường bảo hiểm.

Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ngoài ra, thiệt hại với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm thì cũng bị từ chối bồi thường bảo hiểm, trong khi tại Nghị định 103 không quy định rõ trường hợp này.

3454-bao-hiem-o-to

Thứ tư, nghị định mới lần đầu tiên nêu quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phải tự liên hệ cơ quan công an để thu thập hồ sơ trong vụ việc có tổn thất về người với bên thứ ba hoặc hành khách (khoản 4 điều 15) và xác định đây cũng là quyền của doanh nghiệp bảo hiểm khi đề nghị cơ quan công an cung cấp tài liệu vụ việc TNGT (khoản 4 điều 19).

Thứ năm, nghị định mới quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải có trang thông tin điện tử để tra cứu về thời hạn bảo hiểm, phải có đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận thông tin, tư vấn, giải đáp cho người mua bảo hiểm TNDS và các bên liên quan.

Thứ sáu, các doanh nghiệp phải hạch toán riêng, tách bạch phần chi phí bồi thường bảo hiểm TNDS với các chi phí để kinh doanh loại bảo hiểm này, đặc biệt phần chi phí bồi thường bảo hiểm không bao gồm chi khuyến mại và chiết khấu thanh toán dưới mọi hình thức.

"Cuối cùng, điểm mới quan trọng nữa là nghị định giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới, trong đó gồm thông tin tên chủ xe, biển kiểm soát, tên đơn vị bảo hiểm...và các dữ liệu này sẽ kết nối với dữ liệu đăng kiểm cũng như dữ liệu phương tiện của CSGT", ông Nguyễn Khắc Xuân nói.

(Theo Báo Giao Thông)