Không nộp phạt vi phạm giao thông tại một số quốc gia có thể bị ngồi tù

Theo quy định tại nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng gấp 30 lần so với trước đây.

Mức phạt tăng cao khiến nhiều người lo ngại sẽ có tình trạng bỏ xe để trốn đóng tiền phạt.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính phủ cũng phải “đau đầu” tìm cách để ngăn chặn hành vi từ chối đóng tiền phạt, hay bỏ lại phương tiện giao thông để không phải đóng phạt. Dưới đây là những biện pháp và các quốc gia đang áp dụng.

New Zealand

Tại New Zealand, nếu người dân cố tình không thanh toán phí phạt giao thông sẽ bị "treo" bằng lái, tịch thu phương tiện trong 28 ngày. Ngoài ra, nếu trì hoãn thời gian nộp phạt, tòa án có quyền trừ tiền phạt trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của chủ xe.

Chưa hết, những người này còn bị từ chối thanh toán bằng thẻ tín dụng cho đến khi thanh toán đầy đủ tiền phạt. Họ cũng sẽ bị cấm xuất cảnh và có thể bị phạt tù.

Số tiền phạt còn tăng hàng tháng nếu trì hoãn việc nộp phạt. Và chủ xe còn có nguy cơ bị tịch thu tài sản để "khấu trừ" vào tiền phạt.

Mỹ

Tùy từng bang mà mức phạt vi phạm giao thông tại Mỹ sẽ khác nhau. Chẳng hạn như ở thành phố Green Bay, nếu vi phạm luật giao thông, chủ xe sẽ bị “treo” bằng lái. 

Người dân sẽ phải thanh toán tiền phạt theo đúng hạn ghi trên vé phạt, nếu chậm trễ, cảnh sát địa phương sẽ chuyển toàn bộ thông tin chủ xe sang tòa án của bang.

Chủ xe có thể trì hoãn thời gian nộp phạt nhưng phải lên tòa án đóng phạt trước tối thiểu 50.000 USD (1,26 tỷ VNĐ). Quá thời gian trên, người điều khiển phương tiện sẽ nhận được phiếu cảnh báo (FTA) và mời đến toà án giải quyết.

Pháp

Tại Pháp, những người vi phạm luật giao thông sẽ phải thanh toán tiền phạt trong 45 ngày. Nếu quá thời gian quy định, tiền phạt sẽ tăng dần theo cấp số nhân.

Nếu chủ xe thanh toán tiền phạt trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận vé phạt, số tiền phạt sẽ được giảm tùy từng lỗi vi phạm.

Dubai

Tại Dubai, những người vi phạm giao thông sẽ được gửi giấy phạt trực tiếp về nhà.

Chủ xe sẽ phải thanh toán tiền phạt trong 100 ngày. Nếu chậm trễ, mức tiền phạt sẽ tăng dần theo ngày. Những chủ xe này sẽ bị cấm xuất cảnh và bị tịch thu phương tiện.

Trong trường hợp mức tiền phạt cao và thời gian trì hoãn quá lâu, người lái sẽ bị triệu tập đến tòa án và có nguy cơ phải ngồi tù.

TH (Tuoitrethudo)