Khởi động chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Chương trình này nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2022
Toyota

Theo đó, Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại và cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Bốn doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty cổ phần Công nghiệp Kim Sen.

Toyota Việt Nam cho biết, Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được triển khai từ năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô.

Dự án có 4 hoạt động chính, gồm sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; Tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; Hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm nay, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp thực hiện thêm hoạt động mới, chương trình “Hỗ trợ cải tiến hoạt động” cho một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm cải thiện quy trình sản xuất cho nhà cung ứng nội địa.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Kế hoạch chiến lược, Toyota Việt Nam chia sẻ: “Theo định hướng của Chính phủ, Toyota Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam.

Thông qua các hoạt động mới của dự án trong năm nay, chúng tôi hi vọng rằng Toyota Việt Nam có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp nâng cao năng lực, từ đó mở rộng mạng lưới nhà cung cấp Việt Nam cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam.”

Theo Toyota Việt Nam, nhận thấy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển nên từ năm 2018, Liên doanh này đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp.

Qua đó giúp họ nâng cao hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô.

Với sự hỗ trợ trên, hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã tăng lên con số 46, trong đó có 6 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 720 sản phẩm các loại.