Ngoại hình Kona sở hữu lưới tản nhiệt theo ngôn ngữ mới và đèn sương mù đưa sát vào giữa tạo điểm nhấn. Điểm gây tranh cãi nhất là vị trí đặt đèn pha ở dưới thấp, tương tự những mẫu sedan phổ thông. Một số ý kiến cho rằng đây là điểm dễ gây va chạm, đồng thời trong thời tiết mưa phùn bẩn thì đèn xe sẽ nhanh chóng bị nhuộm bùn gây cản trở khả năng chiếu sáng.
Hyundai Kona |
Phía sau, cụm đèn hậu mảnh với đường vân LED tinh tế hơn đàn anh Tucson. Dải ốp đen sần từ đèn pha tới sườn xe và kéo dài xuống cụm đèn lùi, định vị phía sau khiến xe nhìn khỏe khoắn và nam tính hơn hẳn. Tuy vậy với những ai lành tính hơn có thể sẽ không thích bởi nó trẻ quá và có thể bị coi là “kém sang”.
Hyundai Kona |
Kona sở hữu kích cỡ Dài x Rộng x Cao lần lượt là 4.165 x 1.800 x 1.565 (mm). Khoảng sáng gầm xe đạt 170mm, trang bị đèn Bi-LED 2 chế độ pha-cos. Nhà sản xuất không quên khuyến mại thêm đèn chiếu góc SBL hữu ích khi di chuyển cần đánh lái trong quãng đường hẹp, nhỏ.
Nội thất Kona không nhiều bất ngờ như ngoại thất nhưng gọn gàng và bố trí hình học khá hợp lý. Cụm điều khiển trung tâm hướng về người lái. Hai phiên bản 2.0 và 1.6 Turbo đều dùng ghế bọc da, ghế lái chỉnh điện 10 hướng, tay lái bọc da, tích hợp hàng loạt phím chức năng. Các tiện ích khác như điều hòa tự động, khởi động nút bấm, gạt mưa tự động, gương chống chói tự động. Phiên bản 1.6 Turbo người dùng sẽ nhận thêm được cửa sổ trời và sạc không dây.
Với trục cơ sở dài 2.600 mm, so với hơn mức 2.610 mm của đối thủ Seltos không có quá nhiều quá biệt, Hàng ghế sau đủ chỗ cho ba người lớn. Kiểu thiết kế táp-pi cửa lõm vòng cung giúp mở rộng nội thất. Ghế giữa của hàng thứ hai rộng hơn những xe cùng phân khúc B.
Màn hình trên xe khá lớn có kích cỡ 8 inch, công nghệ sử dụng tấm nền IPS chống chói cho màu sắc sinh động và chính xác. Màn hình tích hợp dẫn đường vệ tinh như truyền thông vài năm trở lại đây của Hyundai tại Việt Nam. Trang bị này cũng hỗ trợ Apple Carplay cùng món trang sức chip âm thanh Arkamys hỗ trợ giải mã nhạc Hi-Res.
Kona gồm 2 tuỳ chọn động cơ là 2.0 và 1.6 Turbo, giống như trên đàn anh Tucson. Phiên bản 1.6 có thông số giống hệt, với công suất đều là 177 mã lực tại 5.500 vòng/phút và Momen xoắn cực đại 265 Nm tại 1.500 ~ 4.500 vòng/phút. Trong khi trọng lượng nhẹ hơn khoảng 100 kg nên Kona có phong cách vận hành năng động hơn hẳn.
Hộp số là loại tự động ly hợp kép 7 cấp DCT hoặc hộp số tự động biến mô 6 cấp thông thường trang bị trên bản 2.0 Atkinson cho công suất tối đa 149 mã lực tại 6.200 vòng/phút cùng Momen xoắn cực đại 180Nm tại 4.500 vòng/phút.
So với đối thủ Kia Seltos, Kona có công suất lớn hơn gần 40 mã lực, không những vậy công suất cực đại của Kona cũng đạt ở mức sớm hơn.
Hyundai cho biết chiếc xe sử dụng cơ cấu trợ lực điện mới C-MDPS với bánh răng và tỷ số truyền biến thiên theo tốc độ. Hệ thống dựa trên các cảm biến hấp thụ lực tác động trên vô lăng cũng như lực bổ trợ của hệ thống lái, từ đó sẽ tính toán và đưa ra lực hỗ trợ tối ưu nhất để người lái thao tác với vô lăng thực sự dễ dàng nhưng vẫn cảm nhận sự thú vị khi cầm lái. Bổ trợ thêm vào đó là Drive Mode 3 chế độ Comfor – Eco – Sport được hiệu chỉnh tùy thuộc điều kiện vận hành.
Cảm giác lái của Kona khá năng động. Ở vòng tua thấp dưới 1.500 vòng/phút, turbo chưa mở, chiếc xe nhẹ nhàng di chuyển, hiền lành và mượt mà như một chú mèo. Cũng giống như chú mèo, ở nước ga đầu Kona tỏ ra hơi trễ nải 1 chút với đặc tính của độ trễ Turbo, mang đúng phong cách của một chiếc xe đô thị cỡ nhỏ.
Chạy đường trường, chú mèo con Kona bỗng biến mình thành mãnh thú. Trên đường cao tốc, chân ga nhạy, bắt tốc ngay khi vòng tua đang ổn định khoảng 1.500 vòng/phút, không khó để đạt tốc độ tối đa 120 km/h, chân vẫn dư ga. Bộ vành 18 inch và lốp lớn kích thước 235/45 kiểu thể thao giúp xe bám đường, vững. Độ rộng bản lốp tương đương đàn anh SantaFe.
Cho xe vào track, Kona lột xác hoàn toàn. Chuyển qua chế độ sport, sau một cú đạp ga dứt khoát, chiếc xe chỉ hơi thoáng ngập ngừng rồi lao đi dứt khoát. Ưu điểm của bộ khung vững chãi kèm lốp bản rộng trên một chiếc xe có chiều dài cơ sở ngắn giúp Kona nuốt gọn các khúc cua, kể cả một khung cua tròn dạng gấp tay áo ở tốc độ hơn 50km/h. Hệ thống an toàn điện tử như ESC hay TCS can thiệp khá hợp lí giúp chiếc xe chạy đúng lộ trình trong đường đua.
Các công nghệ an toàn đi kèm Kona bên cạnh 2 chức năng người lái kể trên còn có thể kể đến: Hệ thống phanh có chống bó cứng ABS, hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC, hỗ trợ xuống dốc DBC, kiểm soát thân xe VSM, cảnh báo điểm mù BSD, cảm biến áp suất lốp TPMS, 6 túi khí. Hỗ trợ tài xế còn có kiểm soát hành trình, camera lùi. Bản turbo còn có hệ thống hỗ trợ đỗ xe PAS với 8 cảm biến trước sau.
Đáng tiếc là tại Việt Nam, Kona sử dụng hệ thống treo sau dạng thanh xoắn Torsion khiến xe hơi chòng chành và kém chắc chắn hơn hệ thống treo độc lập đa điểm trên phiên bản dẫn động 4 bánh ở nước ngoài, dẫn đến cảm giác văng đuôi khi vào cua gấp.
Thêm vào đó, Kona là một chiếc xe hơi hỗn và dễ khiến những tay lái mới giật mình. Thực tế, kể cả khi chuyển sang chế độ sport, Kona vẫn hơi trễ ở ga đầu khi nhà sản xuất setup tỉ số truyền ở số 1-2 hơi dài, nhưng khi lên số 3, tỉ số truyền ngắn lại khiến chiếc xe lao đi một cách khá hung hãn.
Với mức giá 750 triệu đồng cho bản Turbo, thoạt tiên có thể sẽ nghĩ rằng đây là chiếc xe đắt đỏ. Tuy nhiên, với những gì nhận được, Kona Turbo tỏ ra xứng đáng với giá tiền bỏ ra. Nếu chưa đủ tài chính, bản tiêu chuẩn 636 triệu hoặc 2.0 Đặc biệt 699 triệu sẽ phù hợp với bạn hơn. Điều này thể hiện qua doanh số xe sau 2 năm ở mức hơn 14.000 xe, đặc biệt là tính trong 8 tháng năm 2020, doanh số Kona đạt 4.272 xe, gần gấp đôi 2 đối thủ song hành 2 năm qua là Honda HR-V và Ford Ecosport
Từ nay đến hết tháng 12/2020, người tiêu dùng còn được hưởng mức ưu đãi phí trước bạ giảm 50% cho chiếc xe đăng kí mới, chưa kể các gói kích cầu không dưới 20 triệu cho mỗi xe ở các đại lý.