Hàng loạt ô tô chuyển sang lắp ráp trong nước

Thị trường ôtô Việt Nam trong 2021 sẽ xuất hiện thêm nhiều mẫu xe lắp ráp đáng chú ý để tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu
Ford Ranger
Ford Ranger

Kể từ khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với ô tô nguyên chiếc trong ASEAN theo Hiệp định AFTA, đã có không ít các mẫu xe được các hãng chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu.

Tuy nhiên gần đây, khi Nghị định 116 và nhiều chính sách ưu đãi cho ô tô lắp ráp trong nước được ban hành thì nhiều mẫu xe nhập khẩu bắt đầu được chuyển hướng sang nội địa hóa tại Việt Nam.

Cùng với đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các nước, khiến nhiều nhà máy thiếu nhân lực và linh kiện lắp ráp xe, việc thúc đẩy lắp xe tại Việt Nam càng tạo thêm cơ hội cho các hãng trong thời điểm thị trường gặp khó khăn này.

Ford Ranger là mẫu xe đầu tiên được chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam trong năm 2021. Theo thông tin từ phía đại lý, Ranger đã được lắp ráp thử nghiệm tại nhà máy và sẽ sẵn sàng bán ra thị trường vào khoảng cuối quý II năm nay. Các đại lý đang chào bán nốt lô Ranger nhập Thái Lan cuối cùng và cho biết Ford đã ngừng nhập dòng xe này.

Trong phân khúc xe bán tải tại Việt Nam, Ranger vẫn là mẫu xe bán chạy nhất bất chấp nhiều lùm xùm liên quan đến vấn đề chảy dầu trước đó. Tổng kết quý I/2021, doanh số Ranger đạt 3.873 chiếc, cao hơn khoảng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần mẫu bán tải Mỹ chiếm hơn 71% phân khúc. Mẫu xe xếp thứ 2 là Hilux có doanh số chỉ 803 chiếc.

1819-mg-13

Ranger đang được bán với 6 phiên bản tại Việt Nam, trong đó có một bản đặc biệt là Ranger Raptor với cấu trúc khung gầm khác biệt. Giá niêm yết của xe dao động từ 616 triệu đến 925 triệu đồng đối với các bản thường. Riêng Ranger Raptor có giá 1,202 tỷ đồng và được tính là xe con chứ không phải xe chở hàng. Hiện chưa rõ Ranger lắp ráp tại Việt Nam sẽ có những bản nào.

Các mẫu xe tiếp theo được lên kế hoạch chuyển sang lắp ráp trong năm nay thuộc thương hiệu MG. Hãng xe này vẫn chưa công bố sẽ lắp mẫu xe nào nhưng nhiều khả năng đó sẽ là HS và ZS. Thời gian lắp xe dự kiến là vào khoảng cuối năm 2021. Tan Chong - đơn vị phân phối MG - sẽ tận dụng nhà máy cũ lắp xe Nissan để lắp xe MG.

HS và ZS lần đầu ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm 2020 dưới dạng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến đầu năm 2021, ZS được nâng cấp facelift và đổi sang nhập từ Thái Lan. Theo thông tin từ người bán, ZS từ khi chuyển sang bản facelift có doanh số tốt hơn trước. Mẫu xe này có nhiều khả năng được lắp ráp sớm hơn so với HS. Phân khúc của ZS cũng đang "hot" trên thị trường, khi có nhiều đối thủ tầm cỡ như Kia Seltos, Peugeot 2008, Mazda CX-3, Hyundai Kona hay Ford EcoSport.

Bên cạnh đó, Suzuki cũng đã có ý định lắp ráp ô tô trở lại tại Việt Nam. Trước đây, thương hiệu Nhật Bản có mẫu Swift lắp ráp trong nước nhưng khi chuyển sang thế hệ mới, mẫu xe này lại được nhập từ Thái Lan. Hiện tại, xe bán chạy nhất của Suzuki là XL7 đang rơi vào tình trạng khan hàng do nhà máy tại Indonesia bị thiếu linh kiện lắp ráp. Khách đặt mua xe sẽ phải chờ ít nhất khoảng một tháng mới được giao. Nếu đổi sang lắp ráp trong nước, tình trạng khan hàng này có thể được giảm bớt phần nào.

Trước đó, một mẫu xe bán chạy khác cũng được chuyển từ nhập khẩu sang lắp tại Việt Nam là Toyota Fortuner. Tương tự Xpander, Fortuner cũng được bán song song các bản nhập Indonesia và lắp tại Việt Nam.

Có thể thấy, các mẫu xe được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp đều có chung một điều kiện, là xe hot và có sức tiêu thụ mạnh tại Việt Nam. Khi quy mô thị trường đủ lớn, việc đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ giúp các hãng xe gặt hái được nhiều lợi thế so sánh.

Năm 2020, các xe ô tô lắp ráp trong nước sẽ có ưu thế vượt trội so với xe nhập khẩu bởi được miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/7. Việc miễn thuế đối với linh kiện nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn linh phụ kiện nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Điều này giúp chi phí sản xuất xe hơi giảm đi đáng kể, tăng khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp so với xe nhập khẩu.

Trước kia, chính Honda CR-V và Toyota Fortuner bị các hãng rút từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia với lý do tối ưu hóa lợi nhuận, chi phí sản xuất tại Việt Nam cao và khó cạnh tranh.

Đến nay, việc các hãng quay lại lắp ráp là một tín hiệu đáng mừng khi các chính sách của Chính phủ với ngành công nghiệp ô tô được đưa ra đúng thời điểm và trúng mục tiêu.